Chuyển đổi nông nghiệp bền vững

14:56' - 07/07/2017
BNEWS Chuyển đổi nông nghiệp bền vững bước đầu đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê.
Phát triển nông nghiệp bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Sau gần 2 năm triển khai, dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) đã từng bước xây dựng bộ máy tổ chức từ cấp Trung ương đến các xã, đồng thời triển khai đồng bộ các hoạt động mục tiêu của dự án theo phương châm làm đến đâu chắc chắn đến đó, không chạy theo thành tích về số lượng mà tập trung vào chất lượng, hiệu quả thực tế của dự án.
Mục tiêu của dự án này là góp phần triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành; đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê ở hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
Dự án VnSAT cũng đã tiến hành khảo sát, đánh giá 75 tổ chức nông dân với khoảng 2.785 hộ trồng lúa và 776 hộ trồng cà phê. Kết quả bước đầu cho thấy, 36 tổ chức có trên 50% số hộ hoặc diện tích đã áp dụng quy trình canh tác bền vững sau hơn 1 năm dự án triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn sản xuất theo “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và xây dựng các điểm mô hình trình diễn tại các địa phương. Trong đó, có 3 tỉnh là Tiền Giang, Đắk Lắk, Lâm Đồng đều đặt tỷ lệ áp dụng trên 50% và đạt ở mức độ áp dụng cao.
Nhiều nguyên nhân khiến mức độ áp dụng quy trình canh tác bền vững tại nhiều tổ chức nông dân còn thấp. Cụ thể, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long các tổ chức nông dân chưa đạt chủ yếu do lượng giống sạ sử dụng/ha còn cao so với mức quy định của dự án do nông dân bằng sạ tay nên lượng giống sạ không đông đều và không kiểm soát được lượng giống. Các tỉnh Tây Nguyên các tổ chức nông dân chưa đạt chủ yếu do 3 tiêu chí: cây che bóng, phân hữu cơ và ghi chép nhật ký sản xuất.
Bên cạnh tiêu chí về mức độ áp dụng quy trình canh tác bền vững, Ban quản lý dự án VnSAT các tỉnh còn tiến hành đánh giá năng lực chuyên sâu của các tổ chức nông dân là căn cứ đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng như: nhà kho, sân phơi, trạm bơm, đường giao thông...
Dựa trên những số liệu đánh giá này Ban quản lý dự án cấp tỉnh sẽ đề xuất Ban quản lý dự án trung ương và phía nhà tài trợ xem xét đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao năng lực và thúc đẩy hoạt động của các tổ chức nông dân.

Đây là cách làm được đánh giá là công khai minh bạch, được nông dân, các tổ chức nông dân tham gia dự án nhiệt tình ủng hộ từ đó thúc đẩy các tổ chức nông dân chưa đạt các tiêu chí nhanh chóng hoàn thiện.
Trước vấn đề nhiều tổ chức nông dân không đạt tiêu chí của dự án do lượng giống sạ còn cao, nhiều giải pháp đã được đưa ra như: hỗ trợ các địa phương, tổ chức nông dân tham gia dựa án đầu tư các loại máy sạ và trình diễn hiệu quả của các máy này tại các mô hình trình diễn của dự án.
Ông Sergiy Zorya, Chuyên gia kinh tế cao cấp về Nông nghiệp của Ngân hàng thế giới đã đưa ra quan điểm từ phía nhà tài trợ, từ thực tiễn sản xuất của địa phương, việc triển khai dự án muốn hiệu quả phải dựa trên nhu cầu thực tế của người nông dân, của các tổ chức nông dân. Ngân hàng Thế giới đồng ý xem xét việc hỗ trợ máy móc cơ giới hóa sản xuất cho các tổ chức nông dân.
“Tuy nhiên những loại máy này phải chứng minh được hiệu quả thực tiễn và phải được đề xuất từ các tổ chức nông dân có như vậy mới hữu dụng trong thực tế sản xuất”, ông Sergiy Zorya nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục