Chuyên gia kinh tế hàng đầu IMF: Thế giới cần chuẩn bị cho sự thay đổi chính sách của Mỹ

07:27' - 22/12/2016
BNEWS Chuyên gia kinh tế hàng đầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Maurice Obstfeld, nhận định nền kinh tế thế giới cần có sự chuẩn bị trước sự thay đổi chính sách của Mỹ.

Chuyên gia này đồng thời cảnh báo nguy cơ gia tăng chủ nghĩa bảo hộ sau những biến động tỷ giá do sự thay đổi đó.

Ông Obstfeld cho biết cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua đánh dấu sự thay đổi trong cơ chế chính sách ở nước này, kéo theo những tác động tiềm tàng lớn hơn đối với giá cả và hoạt động kinh tế ở các nước trên thế giới cũng như tại Mỹ.

Ông nêu rõ mặc dù còn quá sớm để dự báo về những thay đổi trong chính sách tài chính của Mỹ, nhưng một điều gần như chắc chắn rằng chính sách này sẽ được mở rộng thông qua một số biện pháp kết hợp như tăng cường chi tiêu và giảm thuế. Với tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp, chính sách kinh tế mở rộng có thể làm gia tăng đáng kể sức ép lạm phát, qua đó đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất ở Mỹ.

Theo ông Obstfeld, việc lãi suất tăng với tốc độ nhanh hơn và các hỗ trợ về thuế đối với các công ty Mỹ trong việc đưa lợi nhuận từ nước ngoài về nước có thể làm đồng USD lên giá, khiến thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ gia tăng, trong khi cũng gây ra những thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó các nền kinh tế thị trường mới nổi vay mượn nhiều bằng đồng bạc xanh có thể giảm khả năng thanh khoản do đồng nội tệ xuống giá.

Chuyên gia IMF cho rằng có nguy cơ gia tăng chủ nghĩa bảo hộ nếu có biến động lớn về tỷ giá và tình trạng mất cân đối trên toàn cầu lớn hơn sau những thay đổi chính sách tài chính ở Mỹ, khi đó các nền kinh tế thị trường mới nổi sẽ chịu tác động lớn trước những rào cản thương mại của các nền kinh tế phát triển.

Nhận định của chuyên gia kinh tế hàng đầu IMF được đưa ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định lần đầu tiên nâng lãi suất cơ bản trong gần một năm qua. Bước đi đó không nằm ngoài những dự đoán của giới phân tích do kinh tế Mỹ đang hồi phục nhanh và thất nghiệp giảm mạnh. Quyết định của Fed có thể được coi là một tín hiệu khả quan, mở đường cho những lần tăng lãi suất tiếp theo vào năm sau.

Sau cuộc bầu cử ở Mỹ, lãi suất dài hạn, đồng USD và dự báo lạm phát dài hạn đều tăng, trước khả năng chính quyền mới ở nước này sẽ giảm thuế đáng kể và tăng chi tiêu công. Cập nhật các dự báo kinh tế trong tháng 12, các quan chức Fed cho biết họ dự kiến sẽ tiến hành ba đợt tăng lãi suất trong năm 2017, thay vì chỉ hai lần như dự đoán đưa ra hồi tháng Chín.

Liên quan đến chính sách của chính quyền mới của Mỹ, người phát ngôn của nhóm chuyển giao quyền lực Jason Miller cho biết, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dự định để tỷ phú Wilbur Ross, người được chọn làm Bộ trưởng Thương mại, điều hành chính sách thương mại. Đây là dấu hiệu cho thấy ông Trump sẽ thực hiện kế hoạch nhằm vào các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới và đàm phán lại các thỏa thuận thương mại mà ông nói là ảnh hưởng đến việc làm trong ngành công nghiệp Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục