Cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc

19:56' - 05/04/2018
BNEWS Thông qua hội chợ này, các nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng bán lẻ có thể gặp gỡ trao đổi trực tiếp cũng như có cái nhìn trực quan với mỗi sản phẩm mới.
Khách tham quan gian hàng tại hội chợ. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 28 – VIETNAM EXPO 2018 với chủ đề “VIETNAM EXPO - Tăng cường kết nối kinh tế khu vực và quốc tế sắp diễn ra tại Hà Nội sẽ là dấu mốc tròn 20 năm có các doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự khu gian hàng quốc gia (National Pavilion).
Các tổ chức xúc tiến thương mại đã và đang là những đối tác tin cậy đồng hành xuyên suốt như Trung tâm xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA), GBSA, SeongNam Industry Promotion Agency (SNIP), Gyeongbuk Economic Promotion Agency (GEPA)và Korea Design Center.
Theo Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ thương mại (Vinexad), làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam được biết đến nhiều trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ô tô, điện, điện tử, dệt may, da giày…Bên cạnh đó, là chuỗi các mô hình dịch vụ, bán lẻ, nhà hàng đã tạo dựng được dấu ấn Hàn Quốc đối với đại đa số người tiêu dùng trẻ tuổi.
Một số các thương hiệu lớn trong ngành bán lẻ của Hàn Quốc đã có mặt tại Việt Nam như GS25, K-mart, K-market, Lotte, Circle K, Emart, FamilyMart với quy trình kinh doanh và tiếp cận khách hàng một cách bài bản, đẩy xu thế tiêu dùng trở nên thuận tiện và tích cực hơn cho cả doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc và người tiêu dùng.
Các sản phẩm là thế mạnh của Hàn Quốc tại VIETNAM EXPO là mỹ phẩm – thiết bị làm đẹp; công nghệ phần mềm; điện tử – điện dân dụng; đồ dùng gia đình, đồ dùng cho mẹ và bé; thực phẩm dinh dưỡng – thực phẩm đóng gói sẵn.
Tuy nhiên, điểm hấp dẫn và thu hút nằm ở tiêu chí về chất lượng, mức độ an toàn cho người sử dụng, tính thân thiện môi trường, mẫu mã và giá thành đã được các doanh nghiệp Hàn Quốc tận dụng tối đa và đổi mới không ngừng qua từng năm. Thông qua hội chợ này, các nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng bán lẻ có thể gặp gỡ trao đổi trực tiếp cũng như có cái nhìn trực quan với mỗi sản phẩm mới khi tiếp cận người tiêu dùng.

Hội chợ là cơ hội để các nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng bán lẻ có thể gặp gỡ trao đổi trực tiếp. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Khu gian hàng “Trung tâm hợp tác thiết kế Việt Nam – Hàn Quốc” (VIENAM - KOREA DESIGN CENTER) phối hợp giữa Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE) – Bộ Công Thương và Viện Xúc tiến thiết kế Hàn Quốc (KIDP) – Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã và đang đóng góp rất tích cực trong việc hỗ trợ tư vấn, nâng cao năng lực thiết kế, nghiên cứu nhu cầu thị trường, phát triển ý tưởng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, khu gian hàng năm nay được thiết kế sáng tạo và ấn tượng sẽ trưng bày các sản phẩm của 7 công ty tiêu biểu gồm Công ty CP VinaTea Kim Anh; Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi ViệtNam; Công ty TNHH Kona và 4 doanh nghiệp Hàn Quốc (C&D; MOJITOK; DESIGNBUSAN CO.,LTD; MEGAZONE).
Các chuyên gia thương mại cũng cho rằng, Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) là động lực để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng chính sách giảm thuế quan khi xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản như gạo, yến, trà, hạt điều, hạt mác ca, cá hố, cá da trơn, tôm, bạch tuộc,…
Tại VIETNAM EXPO các doanh nghiệp đến từ 21 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Đắk Lắk,Đắk Nông, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Phú Thọ, Yên Bái, Hải Dương, Bình Dương, Lào Cai, Ninh Bình, Bình Thuận, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Theo đó, còn có sự tham gia của 12 Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu Tư: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Yên Bái, Lào Cai, Bình Thuận, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Đắk Nông.
Đáng lưu ý, đến với hội chợ lần này, các doanh nghiệp xuất khẩu, các mặt hàng đặc trưng của từng vùng miền sẽ có cơ hội tiếp cận doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và khách quốc tế nói chung với một “tâm thế mới” về chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và mẫu mã.
Ông Lê Minh Khoa, Giám đốc kinh doanh Công ty Bảo Minh chia sẻ: hạt mắc ca, quả óc chó thì không chỉ riêng Việt Nam mà tại Thái Lan cũng làm và đã xuất khẩu rất tốt sang Hàn Quốc. Đó là áp lực khiến Bảo Minh phải tiếp tục thay đổi để sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh hơn, từ chất lượng, khẩu vị đến mẫu mã sản phẩm.
Hơn nữa, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng nông thủy sản giảm nhờ Hiệp định thương mại Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) sẽ kích thích các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn và tăng mua hàng từ Việt Nam nhiều hơn.
Ngoài ra, một loạt các hoạt động kết nối, giao thương, xúc tiến thương mại diễn ra tại VIETNAM EXPO được kỳ vọng sẽ đóng góp một phần nhỏ trongmối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam theo cách thức “hợp tác hai bên cùng có lợi” đã được tổng thống Hàn Quốc đề cập trong thông cáo chung tại cuộc gặp gỡ gần đây nhất tại Hà Nội.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong 25 năm qua, thương mại Việt Nam- Hàn Quốc đạt được những bước tiến đi vào chiều sâu. Chỉ tính chung bình trong 11 tháng năm 2017 dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 8 tỷ USD và dự kiến đến năm 2018 con số này nâng lên 70 tỷ và 100 tỷ USD vào năm 2020.

>>> Sắp diễn ra Hội chợ triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục