Cơ hội đổi đời cho người dân vùng khó

11:02' - 31/05/2017
BNEWS Trong những năm gần đây, nhiều người dân ở Quảng Trị tìm mua cây cà gai leo - loại thảo dược mọc hoang ở vùng gò đồi để điều trị các bệnh về gan, thận.

Trước thực tế đó, chị Lê Hồng Nhạn, chủ doanh nghiệp trồng và chế biến cà gai leo An Xuân ở khu phố 3, thị trấn huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) - địa phương có trên 3/4 diện tích gò đồi đất đỏ bazan ở tỉnh Quảng Trị đã nhận ra được đây là cơ hội cho gia đình cũng như người dân trong huyện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Năm 2015, chị Nhạn đã chủ động thuê hơn 5 ha đất vùng gò đồi tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ và huy động toàn bộ số vốn của gia đình tích cóp được cùng vay mượn của anh em, bạn bè người thân được hơn 1,5 tỷ đồng để mua cây cà gai leo giống của Công ty Ngọc Linh (tỉnh Quảng Ngãi), trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt, làm đất, bạt phủ nông nghiệp.

Chị Lê Thị Hồng Nhạn cho biết, cà gai leo sinh trưởng tốt, trồng chỉ trong 5 - 7 tháng là thu hoạch. Theo tính toán, bình quân mỗi năm 1 ha trồng khoảng 100.000 cây cà gai leo cho thu hoạch trên 14 tấn nguyên liệu (gồm rễ, cành, lá cây) để cung ứng cho thị trường.

Với giá nguyên liệu cà gai leo tươi trên thị trường hiện nay khoảng 25.000 đồng/kg và 1 kg cà gai leo khô (3 kg tươi chế biến được 1 kg khô) có giá 100.000 đồng, mỗi héc ta trong năm thu hoạch đầu tiên đã cho lãi khoảng trên 60.000 triệu đồng. Với 5 ha cà gai leo, trong năm đầu tiên canh tác đã giúp chị Nhạn thu lãi trên 300 triệu đồng.

Đặc biệt, chị Nhạn và gia đình cũng đã khai hoang được 5 ha gò đồi đất đá bạc màu bỏ hoang không có giá trị lâu nay, góp phần vào công cuộc phủ xanh đất trống đồi trọc của huyện Cam Lộ nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp của chị Nhạn còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động tại địa phương và gián tiếp cho nhiều lao động khác.

Để nâng cao giá trị canh tác, nguyên liệu của cây trồng, vào đầu năm 2016, doanh nghiệp đầu tư trang bị các trang thiết bị nồi hơi sấy khô, chiết suất, cô chân không (3 lớp) nhằm đưa sản phẩm thảo dược cà gai leo hoàn thiện đến với người tiêu dùng gồm ca gài leo khô, cao cà gai leo sệt, cà gai leo hoà tan.

Với mức giá thị trường hiện khoảng 200.000 đồng/kg cao cà gai leo sệt, 350.000 đồng/kg cà gai leo hàa tan sẽ cho mỗi héc ta trồng cà gai leo đạt doanh thu 400.000 đồng/năm.

Sau khi trừ khi trừ các chi phí còn lãi trên 150 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa.

Chị Lê Hồng Nhạn dự kiến, khi các sản phẩm cà gai leo An Xuân có thương hiệu trên thị trường, doanh nghiệp sẽ phối hợp với các hộ dân trong xã mở rộng diện tích trồng cà gai leo gai, tạo cơ hội cho người dân phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục