Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ

11:29' - 27/08/2015
BNEWS Diện tích nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam có thể phát triển diện tích nuôi thêm 50.000 ha, lên mức tổng diện tích 200.000 ha nuôi trồng. Đây là một tiềm năng lớn cho nuôi trồng, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ trong tương lai.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Vasep. Pro, cho biết một số thị trường lớn trên thế giới đang có xu hướng tăng dần lượng nghêu chế biến trong cơ cấu nhập khẩu từ 5% - 25% so với năm 2014 cùng với các mặt hàng sò điệp, hàu, vẹm… Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam.

Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ vào 9 thị trường lớn trên thế giới, đạt kim ngạch 80 triệu đô la, tăng 10,7% so với năm 2013. Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị xuất khẩu đạt 40,21 triệu đô la, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo dự kiến, đến cuối năm nay, kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ có thể lên tới 85 triệu đô la, tăng 5% so với năm ngoái. Điều đó cho thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam có tiềm năng rất lớn làm hàng xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Ba thị trường này chiếm 87% tổng giá trị xuất khẩu. Riêng thị trường châu Âu chiếm gần 70% giá trị xuất khẩu.

Chế biến hàu xuất khẩu tại Công ty Gallant Ocean (Khánh Hòa). Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam hiện nay là hơn 150.000 ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng. Trong khi đó, Việt Nam còn có thể phát triển diện tích nuôi lên đến hơn 200.000 ha. Đây là một tiềm năng lớn cho việc nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ phục vụ xuất khẩu trong tương lai.

Bên cạnh những tiềm năng về thị trường, phía nhà sản xuất nhuyễn thể hai mảnh vỏ cũng thực hiện tốt công tác tập huấn, thẩm tra giám sát thu hoạch để đảm bảo tính chính xác của nguồn gốc sản phẩm ở từng địa phương đặc biệt là sản phẩm nghêu Bến Tre - ông Trần Ngọc Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Bến Tre cho biết.

Ông Nhuận nhấn mạnh thêm, năm 2009, con nghêu Bến Tre đã được Hội đồng Bảo tồn biển Quốc tế cấp chứng nhận MSC – sản phẩm thủy sản sinh thái chất lượng toàn cầu. Với chứng nhận này, nghêu Bến Tre được bán cao hơn từ 30 - 50% so với con nghêu ở những nơi khác.

Tuy nhiên, ngoài tiềm năng xuất khẩu vẫn còn ẩn chứa nhiều khó khăn đối với mặt hàng này. Bên cạnh một số quốc gia châu Âu tăng nhập khẩu, một số quốc gia khác lại giảm nhập khẩu loại hải sản này, đó là Italy, Anh, Tây Ban Nha, lượng nhập giảm từ 15% - 35%.

Không những vậy, nhiều năm gần đây, do sự ô nhiễm môi trường, tình trạng nắng nóng bất thường khiến người nuôi nghêu bị thiệt hại lớn, nghêu chết hàng loạt, ảnh hưởng đến sản lượng hàng năm - bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sông Tiền chia sẻ.

Phân loại ngao thương phẩm. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Mặc dù nhuyễn thể hai mảnh vỏ là loài hải sản được ưa chuộng ở nhiều thị trường khó tính, nhưng để phát triển ngành này bền vững và phát huy tiềm năng vốn có của nó, nhiều ý kiến đề xuất giải pháp phát triển nghề đã được đưa ra.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh, để mặt hàng nghêu phát triển đúng với thế mạnh, trước mắt phải có đề án bảo vệ vùng biển, nhất là các vùng nguyên liệu cung cấp cho xuất khẩu. Đồng thời đảm bảo từ khâu ươm giống, lai tạo giống, rút ngắn thời gian nuôi để khai thác tốt nhất nguồn lợi quý giá này.

Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần có chính sách đầu tư cho ngư dân mở rộng diện tích nuôi, tư vấn công nghệ và quy trình sản xuất con giống. Chính quyền địa phương cũng phải phối hợp với ngư dân quản lý tốt ngư trường, giảm tác hại của biến đổi khí hậu, tạo nghêu chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

Ông Trần Ngọc Nhuận cho rằng, kinh phí thực hiện công tác giám sát hàng năm và tái đánh giá chứng nhận MSC khá lớn. Vì vậy, các địa phương nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ đã đạt được chứng nhận này phải phối hợp thường xuyên với Viện Hải dương học Nha Trang, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu khác để có thể dự báo sớm những bất lợi đối với con nghêu, sò huyết… Các địa phương cũng khuyến cáo hợp tác xã nuôi nghêu, sò huyết thực hiện vệ sinh tốt bãi nghêu, bãi sò, san lấp vùng trũng tránh đọng nước cục bộ trên bãi nuôi và tuân thủ đúng mật độ san nuôi.

Ngoài các giải pháp về phối hợp nghiêm ngặt của người nuôi và nhà quản lý, những chính sách cần thiết thúc đẩy ngành này phát triển cũng góp phần quan trọng không kém. Theo ông Ngô Thế Anh, chuyên viên Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản, để đường đi của nhuyễn thể hai mảnh vỏ tốt hơn, đảm bảo đầu ra, các cơ sở chế biến trong nước cũng phải liên kết tốt hơn với các nhà nhập khẩu ở nước ngoài. Đồng thời, phía nhà chức năng ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn và định mức cụ thể về quy hoạch, quy trình công nghệ, sản xuất giống, tăng cường chương trình đào tạo về quản lý và kỹ thuật, chương trình khuyến ngư về nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ./.

Hồng Nhung

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục