Cơ hội mở rộng thị trường ở Trung Đông - châu Phi rất lớn

14:50' - 25/05/2017
BNEWS Với diện tích và dân số tương đối lớn, Trung Đông – châu Phi là khu vực có nhu cầu nhập khẩu cao; trong đó, nhiều mặt hàng phù hợp với những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Ngày 25/5, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo “Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông – châu Phi”, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam khai thác, mở rộng thị trường và tìm kiếm các đối tác bạn hàng mới tại khu vực này.

Hội thảo “Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông – châu Phi”. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Tại hội thảo, ông Ngô Khải Hoàn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương)  cho biết, với diện tích và dân số tương đối lớn, Trung Đông – châu Phi là khu vực có nhu cầu nhập khẩu cao; trong đó, nhiều mặt hàng phù hợp với những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Cùng với đó, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 70 quốc gia trong khu vực này. Điều đó cho thấy cơ hội mở rộng thị phần của hàng hóa Việt Nam là rất lớn.

Trong bối cảnh các thị trường khác còn nhiều khó khăn, những mặt hàng thuần Việt xuất khẩu vẫn tăng trưởng tại Trung Đông – châu Phi. Hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này ngày càng phong phú, đa dạng. Bên cạnh những mặt hàng truyền thống như: gạo, cà phê, hồ tiêu, giầy da,... còn xuất hiện nhiều mặt hàng có giá trị cao như: linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng,…

Các nước thuộc khu vực Trung Đông – châu Phi có nhu cầu nhập khẩu lớn về thủy sản, lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng,… Bên cạnh đó là nhu cầu về chất dẻo nguyên liệu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, khí đốt, máy móc thiết bị....

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có quan hệ ngoại giao, hợp tác truyền thống hữu nghị lâu dài với nhiều nước Trung Đông, có mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao làm cầu nối thúc đẩy trao đổi thương mại và hợp tác.

Hiện Việt Nam có 8 Đại sứ quán và 6 Thương vụ tại Trung Đông, có 9 Đại sứ quán thuộc các nước Trung Đông tại Việt Nam. Đặc biệt các mặt hàng nhập khẩu của Trung Đông khá phù hợp với với những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giầy, sản phẩm nông sản…

Tuy nhiên, một số thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập thị trường này cần lưu ý như về an ninh bất ổn, mâu thuẫn sắc tộc, xung đột tôn giáo tại các quốc gia, khác biệt về văn hóa, tôn giáo, đặc biệt khó khăn trong thanh toán do nhiều doanh nghiệp không có thói quen mở L/C (hình thức thanh toán thư tín dụng).

Để hạn chế những  rủi ro trên, Bộ Công Thương cũng đưa ra cảnh báo khi doanh nghiệp xâm nhập thì trường Trung Đông - châu Phi, cần có đủ thông tin như điều tra thương nhân, tìm hiểu kỹ về thị trường; cảnh giác với những thương vụ quá hấp dẫn, nên sử dụng tư vấn cho thẩm định đối tác, giúp đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng.

Đồng thời doanh nghiệp cần theo dõi tình hình chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang website của Bộ Công Thương.

Để tránh rủi ro các doanh nghiệp cũng cần cẩn trọng trong việc tìm kiếm khách hàng qua mạng. Nên tích cực tham gia các đoàn nghiên cứu thị trường xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm quốc tế, diễn đàn doanh nghiệp để tìm khách hàng uy tín…

Khi thanh toán theo hình thức D/P (giao tiền thì giao chứng từ) doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra các mức phần trăm đặt cọc (deposit) để đảm bảo cho các đơn hàng (tốt nhất trên 30% trở lên).

Nhiều doanh nghiệp trong nước đang có ý định làm ăn tại châu Phi, và Trung Đông, nhưng lực cản lớn nhất đối với họ chính là thiếu thông tin và những bấp bênh về khả năng thanh toán khi giao dịch với các thương nhân nước ngoài.

Để có thể tránh được những thiệt hại trong quá trình giao dịch tại thị trường này, đại diện Công ty tư vấn phát triển Halal khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam nên cẩn trọng với những lời đề nghị mua hàng với giá trị hợp đồng lớn, điều kiện giao dịch đơn giản, giá hấp dẫn; hoặc yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam trả trước một khoản tiền lệ phí, như phí trúng thầu, phí xin giấy phép nhập khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục