Có thể tiết kiệm tới 15-20% tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia

18:26' - 18/11/2015
BNEWS Theo khảo sát của các chuyên gia, Việt Nam có thể tiết kiệm năng lượng tới 15-20% trên tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia.


Việt Nam có thể tiết kiệm năng lượng tới 15-20% trên tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia. Ảnh: TTXVN

Trong 5 năm, Việt Nam tiết kiệm gần 6% năng lượng tiêu thụ. Đây là thông tin được ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam đưa ra tại hội nghị tổng kết 5 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011-2015 diễn ra ngày 18/11, tại Hà Nội.

Nếu không tiết kiệm được mức 6% này thì nhiều khả năng chúng ta phải tốn chi phí để xây dựng thêm nhà máy điện. Theo ông Đỗ Hữu Hào, đây là mức tiết kiệm cũng khá lớn, tương đương với khoảng gần 12 triệu tấn dầu quy đổi.

Theo khảo sát của các chuyên gia thì Việt Nam có thể tiết kiệm năng lượng tới 15-20% trên tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia.

Báo cáo thêm về kết quả đạt được trong 5 năm qua, ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng - Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương cho biết, có 585 dự án, nhiệm vụ đã được triển khai trong khuôn khổ chương trình tiết kiệm; trên 10.000 mẫu sản phẩm thuộc 15 nhóm sản phẩm mục tiêu đã được dán nhãn năng lượng. Chương trình nhãn năng lượng được triển khai thành công đã tạo thói quen tiêu dùng, mua sắm các sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.
Chương trình cũng hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho gần 700 doanh nghiệp. Từ đó đã đề ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí mua năng lượng. Nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ việc tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, bằng việc hỗ trợ cho 30.000 dàn nước nóng năng lượng mặt trời của chương trình đã kích thích và tạo ra thị trường dàn nước nóng sôi động với rất nhiều mẫu mã đa dạng của nhiều nhà cung cấp. Theo thống kê, hiện cả nước có trên 700.000 dàn nước nóng năng lượng mặt trời đã được lắp đặt. Ước tính, mỗi năm tiết kiệm khoảng 1 tỷ kWh điện, tương đương 1.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông Đỗ Hữu Hào, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ như: vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu về sử dụng năng lượng; việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sử dụng năng lượng trong các ngành chưa đồng bộ; thiếu chuyên gia công nghệ; vốn đầu tư ban đầu cho các dự án tiết kiệm năng lượng…
Nói thêm về vấn đề này, ông Trịnh Quốc Vũ chỉ rõ, nguồn kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước cho Chương trình hàng năm thường muộn và tổng kinh phí thấp. Tính đến hết năm 2015, tổng kinh phí mới gần 350 tỷ đồng, trong khi dự kiến là gần 1.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, rào cản lớn nhất là doanh nghiệp thiếu kinh phí để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, trong khi cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng còn hạn chế.
Để thúc đẩy chương trình đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao hơn, cần đẩy mạnh tuyên truyền về nhãn dán năng lượng cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp; đồng thời thúc đẩy các cơ chế tài chính, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra cũng cần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tiêu thụ năng lượng, nâng cao năng lực thu thập, xử lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu.
"Hiện chúng tôi đang triển khai dự án do Chính phủ Đan Mạch tài trợ là chuyển hoá cacbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Dự án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thí điểm trong 3 ngành gạch, gốm, chế biến thực phẩm, để đầu tư tiết kiệm năng lượng. Dự án đã lập quỹ khoảng 6 triệu USD, dùng một phần tiền để bảo lãnh vốn vay cho doanh nghiệp 50%", ông Trịnh Quốc Vũ cho biết.../.
Đức Dũng/Bnews/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục