Commerzbank: Bức tranh kinh tế thế giới vẫn còn ảm đạm

10:36' - 03/09/2015
BNEWS Theo chuyên gia Commerzbank, bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm khi mà ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc suy giảm, các thị trường chứng khoán đồng loạt lao dốc, giá hàng hóa đi xuống...

Ngành công nghiệp chế tạo của “đế chế” Trung Quốc suy giảm, kinh tế Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) và Mỹ giảm tốc, các thị trường chứng khoán chủ chốt đồng loạt thoái lui, giá hàng hóa lao dốc, cùng với đó là việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay... Tất cả đã tạo nên một bức tranh tổng thể về nền kinh tế toàn cầu ảm đạm đang chật vật “tìm lối thoát”, theo chuyên gia kinh tế tại Commerzbank.


Thị trường hàng hóa Trung Quốc ế ẩm trong tháng 8/2015. Ảnh: THX/TTXVN

Các kết quả khảo sát chính thức cũng như của các công ty tư nhân cùng được công bố ngày 1/9 làm cho nhiều người thêm lo ngại về tình trạng giảm sút mạnh hơn của nền kinh tế Trung Quốc, cho dù nhiều biện pháp hỗ trợ đã được thực hiện.

Kết quả khảo sát chính thức cho thấy, hoạt động chế tạo ở Trung Quốc trong tháng Tám giảm với tốc độ nhanh nhất trong ba năm. Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong tháng Tám giảm từ mức 50 điểm trong tháng Bảy xuống 49,7 điểm, dưới 50 điểm (ngưỡng phân định chiều hướng tăng trưởng và suy giảm) và là thấp nhất kể từ tháng 8/2012.

Trong khi đó, chỉ số PMI của khu vực Eurozone trong tháng Tám đạt 52,3 điểm, thấp hơn mức 52,43 điểm trong tháng Bảy. Dù chỉ số này vẫn trụ trên ngưỡng 50 điểm trong hơn hai năm qua, song kết quả trên vẫn làm gia tăng lo ngại đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khi ngân hàng này đang phải "đau đầu" giải bài toán tăng trưởng kinh tế.

Không dừng lại ở đó, hoạt động chế tạo tại Mỹ cũng ghi nhận mức tăng trưởng yếu nhất trong gần hai năm qua trong tháng Tám, với chỉ số PMI của Markit giảm còn 53 điểm trong tháng trước, so với mức 53,8 điểm trong tháng Bảy. Con số này cho thấy khu vực chế tạo của “đầu tàu” kinh tế thế giới trong tháng Tám vẫn đang tiếp tục phải chống chọi với việc đồng bạc xanh giảm giá và các bất ổn của kinh tế toàn cầu.

Theo IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ thấp hơn dự đoán trước đó do các nền kinh tế tiên tiến hồi phục chậm chạp trong khi các nước mới nổi lại giảm tốc sâu hơn. Nhận định trên được đưa ra chưa đầy hai tháng sau khi IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 xuống mức 3,3%.

Peter Dixon, nhà kinh tế học tại Commerzbank, cho biết, nhìn vào những kết quả trên, có lẽ các ngân hàng trung ương nên cân nhắc việc nâng lãi suất trong tương lai gần.

Kim Dung (Theo Reuters)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục