Còn dư địa để nông nghiệp bù đắp cho tăng trưởng âm

18:44' - 16/09/2016
BNEWS Ngày 16/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp thông qua đề án tái cơ cấu ngành”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ngày 16/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có buổi tọa đàm trực tuyến cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường với chủ đề “Thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp thông qua đề án tái cơ cấu ngành”.

Sáng tạo trong thu hút doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, doanh nghiệp là hạt nhân làm nền tảng liên kết thực hiện được nền sản xuất hàng hóa tập trung.

Tuy nhiên, đến nay có trên 3.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm chưa đến 1% tổng số doanh nghiệp cả nước; trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Số doanh nghiệp lớn mang tính “đầu tàu” còn ít.

Thời gian qua, các chủ trương, chính sách, cơ chế liên tục được hoàn thiện; trong đó có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp.

Đến nay, một số địa phương làm tốt, một số nhìn chung vẫn gặp phải không ít khó khăn.

Điển hình như Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa đi vào cuộc sống.

Đầu tư vào nông nghiệp rủi ro lớn, một số ngành hàng yêu cầu vốn lớn trong khi đó bản thân địa phương gặp khó trong kinh phí, Trung ương chỉ tập trung dự án đầu tư lớn, phân khúc lớn.

Các bộ ngành đang khảo sát, đánh giá, đề xuất tiếp tục có kiến nghị để Nghị định 210 sát thực tiễn hơn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hơn.

Một trong những nút thắt hạn chế các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là vấn đề tích tụ đất đai để có vùng sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, nút thắt đất đai đang kìm hãm doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Để giải quyết cho doanh nghiệp, nhiều tỉnh đã có những cách làm sáng tạo.

Ví dụ, tỉnh Hà Nam, ở những nơi nông dân cảm thấy làm không hiệu quả thì để tỉnh đại diện giao lại đất cho doanh nghiệp trên cơ sở dân tự nguyện.

Quyền sử dụng đất vẫn của nông dân, chuyển quyền sử dụng trong giới hạn thời gian nhất định.

Hay tại tỉnh Nam Định, một số doanh nghiệp mạnh dạn tiếp nhận quyền sử dụng đất qua việc chuyển nhượng của người dân.

Vấn đề này bị giới hạn bởi hạn điền, bởi quy định hạn điền cho phép doanh nghiệp tiếp nhận chuyển nhượng chỉ giới hạn 20-50 ha.

Tuy nhiên, doanh nghiệp tổ chức làm tốt vẫn tích tụ được diện tích nhất định. Bên cạnh đó là hình thành các hợp tác xã. Nhiều nông dân cùng nguyện vọng, thống nhất mục tiêu sản xuất, liên kết chặt với doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sau khi giao đất ổn định lâu dài cho nông dân, Nhà nước đã có những thể chế, cơ chế để nông dân thực hiện quyền tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, chế tài cần rõ hơn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích tụ ruộng đất theo đúng quy định.

Vấn đề vốn, các thủ tục hành chính cũng là những khó khăn, rào cản khi doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để tập trung vào các gói thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu các ngành hàng, kể cả các ngành hàng quốc gia cũng như ngành hàng cấp tỉnh.

Trên cơ sở đó có các giải pháp đảm bảo giảm thiểu thủ tục hành chính nhưng vẫn quản lý chặt chẽ được tín dụng, thúc đẩy sản xuất.

Phải chấp nhận “sân chơi” quốc tế

Con tôm đang là đối tượng có nhiều dư địa để phát triển sản xuất của ngành nông nghiệp. Thị trường trước mắt và lâu dài được dự báo đối với mặt hàng này có nhiều cơ hội. Đây là một trong nhưng tiềm năng mà ngành nông nghiệp sẽ tập trung khai thác.

Mới đây Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) áp thuế chống bán phá giá tôm. Trước vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, một khi chấp nhận “sân chơi” thị trường quốc tế đương nhiên phải đối đầu với những chuyện này.

Thu hoạch lúa ở xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương-TTXVN

Đây là một việc bình thường, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế. Đây không phải là lần đầu tiên mà là lần thứ 11.

Chúng ta phải có đầy đủ các chế tài, giải pháp để tiếp tục đấu tranh, đảm bảo minh bạch, bình đẳng trên hội nhập quốc tế về mặt thương mại.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Bộ Công Thương để bàn bước đi. Song song với đó cần phải mở rộng khai thác các thị trường khác cho con tôm Việt Nam.

“Đã ra “sân chơi” quốc tế là phải chấp nhận cuộc chơi. Trong các cuộc chơi phải chuẩn bị các chế tài, khi xảy ra tình huống là ứng phó. Đề nghị doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị một tâm thế như vậy”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Xuất khẩu rau quả có thể vượt gạo

Trước bối cảnh 6 tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp có tăng trưởng âm 0,18%, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, để tập trung phát triển đảm bảo cho tăng trưởng của ngành, những tháng cuối năm có hai nhiệm vụ song song. Một là tiếp tục tái cơ cấu để đảm bảo chiến lược lâu dài.

Nhưng trước mắt phải tập trung vào các mặt hàng có dư địa có thể để bù đắp được tăng trưởng âm của những tháng đầu năm.

Ngành nông nghiệp vẫn còn có những dư địa như: Trong chăn nuôi, cả 3 đối tượng là gia cầm, đại gia súc và lợn đều rất thuận lợi bởi năm nay giá thức ăn chăn nuôi thấp hơn năm ngoái. Bên cạnh đó, con giống đã được chủ động chuẩn bị, dịch bệnh không lớn, đặc biệt là tín hiệu thị trường tốt. Dự báo tốc độ từ nay đến cuối năm của ngành chăn nuôi sẽ đạt 4-5%.

Về thủy sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, với tốc độ tăng đàn, thị trường như hiện nay thì từ nay đến cuối năm xuất khẩu con tôm sẽ vượt trên 3 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ đạt trên 7 tỷ USD.

Bên cạnh đó, mặt hàng rau quả có dư địa phát triển tốt, bởi tốc độ tăng trưởng của mặt hàng này khá cao, bình quân tăng trưởng 37%/tháng.

Với sự tăng trưởng này, năm nay, lần đầu tiên khả năng giá trị xuất khẩu rau quả sẽ cao hơn giá trị gạo, đạt khoảng 2,5 đến 2,6 tỷ USD, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định.

Ngoài ra, cây công nghiệp trừ cao su, sắn sụt giảm, còn lại các sản phẩm như điều, cà phê, tiêu đều tăng. “Với các nhóm mặt hàng đó, địa phương đang tập trung quyết liệt chỉ đạo sản xuất. Tôi tin rằng sẽ có sự tăng trưởng không chỉ bù đắp vào sự thâm hụt của những tháng đầu năm mà còn tạo ra sự tăng trưởng phù hợp làm tiền đề cho phát triển nông nghiệp thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục