Công bố báo cáo về thay đổi trong nông thôn Việt Nam

15:59' - 05/08/2015
BNEWS Báo cáo đưa ra bức tranh tổng thể của nông thôn Việt Nam cũng như tác động về những thay đổi của hộ gia đình và khả năng tiếp cận các nguồn lực của hộ gia đình.

Sáng 5/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem) đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và thay đổi trong nông thôn Việt Nam: Sự trỗi dậy của con rồng mới mới nổi” nhằm công bố những kết quả nghiên cứu, trình bày những phát hiện chính và đề xuất kiến nghị của báo cáo.

Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, kết quả của cuộc điều tra này nhằm đưa ra bức tranh tổng thể của nông thôn Việt Nam cũng như tác động về những thay đổi của hộ gia đình và khả năng tiếp cận của các hộ như: nguồn vốn, lao động, đất đai của nông thôn Việt Nam. Báo cáo này khá toàn diện, đưa ra được những đánh giá trong tiếp cận nguồn lực của các hộ gia đình ở các vùng nông thôn. Đây cũng sẽ là tài liệu nghiên cứu cho các nhà hoạch định chính sách cho kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn.

Theo TS. Finn Tarp, Giám đốc UNU-WIDER, Giáo sư Trường Đại học Copenhagen (Đan Mạch), báo cáo đã đưa ra nghiên cứu chi tiết. Theo đó, đánh giá được điều kiện của các hộ gia đình nông thôn, phúc lợi được cải thiện. Thời gian qua, Việt Nam đã giảm được tình trạng đói nghèo nhưng điều này không toàn diện ở tất cả các hộ ở nông thôn. Hiện nay, đối với những hộ gia đình nông thôn tài sản của họ đã có khả năng tốt hơn; các hộ gia đình có lực lượng lao động tốt và có khả năng tự sản xuất tốt hơn. TS. Finn Tarp hy vọng, kết quả này được sử dụng trong tương lai trong hoạch định chính sách của Việt Nam .

Báo cáo tổng hợp dài 409 trang dựa trên kết quả của 5 vòng điều tra Tiếp cận nguồn lực của hộ gia đình nông thôn Việt Nam (VARHS) được điều tra lặp lại 2 năm một lần, từ năm 2006 đến năm 2014. VARHS đã điều tra lặp lại 2.162 hộ gia đình tại 12 tỉnh của Việt Nam gồm: Hà Tây (cũ), Nghệ An, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Quảng Nam và Long An.

Mục tiêu chính của báo cáo VARHS nhằm đưa ra bức tranh toàn diện về tác động của tiếp cận nguồn lực hộ gia đình nông thôn tới thị trường đất đai, lao động và vốn; cũng như tác động của các chính sách đối với tăng trưởng, bất bình đẳng và giảm nghèo ở cấp độ làng xã ở Việt Nam; bao gồm cả việc phân bổ thành quả và mất mát từ tăng trưởng kinh tế.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra 5 phát hiện chính của báo cáo là: điều kiện sống, nhìn chung được cải thiện đối với các hộ gia đình ở nông thôn. VARHS cho thấy khu vực nông thôn Việt Nam đã có sự giảm mạnh về đói nghèo (nhưng không phải là tất cả).

Việc có đầy đủ các tài sản, bao gồm giáo dục, vốn xã hội, tư liệu sản xuất giúp các hộ có cơ hội phát triển tốt hơn và tương tự đối với có nhiều thành viên trong độ tuổi vàng. Các hộ có mức giảm lớn trong chi tiêu thực phẩm và các chỉ tiêu phúc lợi khác, thường là các hộ gặp phải các cú sốc và không phải là dân tộc Kinh. Vốn xã hội và các mối quan hệ mang tính đỡ đầu đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế, xã hội và chính trị ở Việt Nam .

Báo cáo cũng tạo ra bộ dữ liệu và nghiên cứu toàn diện có giá trị đối với các học giả, sinh viên, những người hoạt động trong lĩnh vực phát triển, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, những người quan tâm đến cách tiếp cận mang tính toàn diện để nghiên cứu sự tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và phân tích kinh tế vĩ mô về sự phát triển của Việt Nam./.

Thúy Hiền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục