Công bố kết quả Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển CLV – 9

08:12' - 24/11/2016
BNEWS Hội nghị đánh giá cao những kết quả hợp tác đạt được trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, nông nghiệp, giao lưu nhân dân 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bên trái), Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen (giữa) và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith (bên phải) chụp ảnh chung tại lễ khai mạc hội nghị. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 9 tại Siem Reap, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thonglun Sisulith và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đồng chủ trì cuộc họp báo, thông báo về những kết quả của Hội nghị. 

Nhờ sự nỗ lực của ba nước, Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam từ khu vực khó khăn đã trở thành khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế, đời sống người dân và an sinh xã hội được cải thiện rõ rệt.

Thủ tướng Samdech Hun Sen cho biết, các bên cũng mong muốn dành những ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về thương mại và đầu tư cho khu vực Tam giác phát triển CLV; hoàn thiện kế hoạch phát triển du lịch tại khu vực này và kế hoạch hành động về kết nối ba nền kinh tế; trong đó không chỉ kết nối về giao thông mà cả cơ sở hạ tầng, năng lượng, du lịch…

Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đánh giá cao Tuyên bố chung kết quả hội nghị được ký kết lần này; khẳng định ba nước sẽ cùng nhau triển khai, tổ chức thực hiện đáp ứng mong đợi của các bên.

Lãnh đạo ba nước cũng nhất trí về việc sử dụng công nghệ và mạng viễn thông kết nối trực tuyến, cho phép lãnh đạo và cơ quan các nước có thể thường xuyên trao đổi, bàn bạc, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.

Các bên cũng đã thống nhất về việc đề nghị Việt Nam thành lập trung tâm đào tạo nghề phục vụ khu vực Tam giác phát triển giữa ba nước.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan điểm chung của ba nước thống nhất tại hội nghị là sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tận dụng mọi cơ hội và phát huy mọi nguồn lực phục vụ phát triển; trong đó, có thể tiếp tục tranh thủ các đối tác phát triển như Nhật Bản, ADB và nhiều đối tác khác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến việc kêu gọi và khuyến khích sự tham gia của khối kinh tế tư nhân tham gia vào cơ chế hợp tác thuận lợi này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Lãnh đạo ba nước nhất trí xác định, kết nối ba nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng thời gian tới”.

Trên tinh thần đó ba nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ về kinh tế, đầu tư, đồng thời duy trì an ninh chính trị, hòa bình, ổn định biên giới, tạo nền tảng thuận lợi cho thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục và nhất là lĩnh vực du lịch.

Ba nhà lãnh đạo cũng thống nhất phối hợp chặt chẽ thực hiện thành công các mục tiêu Thiên niên kỷ đến năm 2030 của Liên hợp quốc; trong đó, lưu ý đến vấn đề bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng nguồn nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.

Về nội dung ba nước thống nhất thiết lập hệ thống công nghệ để họp trực tuyến đồng thời xây dựng hệ thống cước điện thoại chung giữa ba nước, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhà mạng Viettel là doanh nghiệp có thể thực hiện chương trình này với việc đầu tư hiện đại hóa mạng viễn thông ba nước bằng công nghệ 4G.

Viettel cũng sẽ hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử cho ba nước và có thể xây dựng và triển khai mức cước gọi giữa thuê bao của Viettel tại ba nước tương đương với mức cước trong nước; qua đó góp phần kết nối hoạt động đầu tư, phục vụ khách du lịch và người dân ba nước được hưởng lợi./.‎

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục