Công bố kết quả nghiên cứu lập sơ đồ đầu tư sử dụng đất tại Tây Nguyên

12:53' - 08/06/2018
BNEWS Mục tiêu chính của nghiên cứu lập sơ đồ đầu tư sử dụng đất tại Tây Nguyên là xác định, định lượng các khoản đầu tư công trung hạn (2016-2020) liên quan trong sử dụng đất tại 5 tỉnh Tây Nguyên.
Hội thảo Công bố kết quả nghiên cứu Lập sơ đồ đầu tư sử dụng đất tại Tây Nguyên. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
 

Sáng 8/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu lập sơ đồ đầu tư sử dụng đất tại Tây Nguyên.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, mục tiêu chính của nghiên cứu là xác định và định lượng các khoản đầu tư công trung hạn (2016-2020) có liên quan trong lĩnh vực sử dụng đất tại 5 tỉnh Tây Nguyên để qua đó làm rõ các nguồn, nhân tố và cách thức chi tiêu liên quan tới phát triển rừng.

Bên cạnh đó, xác định và định lượng đóng góp của chi tiêu công cho mục tiêu REDD+ (giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển và vai trò bảo tồn, quản lý bền vững rừng và tăng cường trữ lượng cacbon rừng ở các nước đang phát triển); những khoảng trống trong thực hiện NRAP (chương trình hành động quốc gia thực hiện REDD+); vai trò của các khoản đầu tư của Trung ương và địa phương trong thúc đẩy sự thay đổi sử dụng đất và mất rừng ở Tây Nguyên. Từ đó, xác định các cơ hội để lồng ghép các mục tiêu NRAP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh đến năm 2020.

Ông Lưu Đức Khải, Phó Trưởng ban Chính sách Dịch vụ công (CIEM) cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, đầu tư cho sử dụng đất đai liên quan đến rừng ở khu vực Tây Nguyên vào khoảng 23.400 tỷ đồng; trong đó, có khoảng 7.200 tỷ đồng đầu tư có liên quan đến các hoạt động REDD+ (chiếm 31%). Trong tất cả các khoản đầu tư theo kế hoạch sử dụng đất ở Tây Nguyên, hơn 1/4 đến từ các nguồn quốc tế và gần 3/4 đến từ các nguồn trong nước (hầu hết đến từ Ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ).

Bên cạnh đó, gần một nửa đầu tư cho giai đoạn 2016-2020 về sử dụng đất ở Tây Nguyên có liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5,3% khoản đầu tư này được lên kế hoạch phù hợp với các mục tiêu NRAP và có rất ít đầu tư nhằm vào nông nghiệp bền vững ở Tây Nguyên đến từ các nhà tài trợ.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, vùng Tây Nguyên có thể tăng đầu tư công để bảo vệ rừng lên tới 3.200 tỷ đồng mỗi năm bằng cách bảo vệ và điều chỉnh các khoản đầu tư sử dụng đất hiện có cho mục tiêu lâm nghiệp và khí hậu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn và mở rộng nền tảng chương trình hỗ trợ kinh tế.

Bà Adeline Dontenvill, Viện Lâm nghiệp châu Âu cho rằng, cần đánh giá các khoản đầu tư theo kế hoạch ở Tây Nguyên đã hỗ trợ mục tiêu này ở mức độ nào và làm thế nào để đảm bảo rằng các khoản đầu tư theo kế hoạch ở Tây Nguyên không làm trầm trọng thêm mất rừng và suy thoái rừng.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, chi trả cho dịch vụ môi trường rừng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện NRAP ở Tây Nguyên. Đồng thời, cần đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho bảo vệ và phát triển rừng là điều kiện tiên quyết thực hiện NRAP ở Tây Nguyên.

Ông Lưu Đức Khải cho biết, tài chính bổ sung, đặc biệt từ các nhà tài trợ là cần thiết để hỗ trợ chuyển sang sản xuất hàng hóa bền vững ở Tây Nguyên và chuyển đầu tư theo kế hoạch phù hợp với mục tiêu bảo vệ rừng… “ Tăng cường tính minh bạch và theo dõi định kỳ các nguồn lực đầu tư cho các hoạt động sử dụng đất ở Tây Nguyên là góp phần huy động thêm nguồn lực cho việc lồng ghép lập kế hoạch phát triển vùng bền vững”, ông Khải nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục