Công cụ xử lý nợ xấu: Bài 2- Nới “room” cho M&A

08:00' - 16/09/2015
BNEWS Việc nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường M&A các ngân hàng thương mại Việt Nam ngày càng được hoàn thiện.

Cụ thể, Nghị định 01/NĐ-CP ban hành ngày 3-1-2014 đã nới rộng hơn mức sở hữu cổ phần tối đa (tức room) của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng Việt Nam so với quy định tại Nghị định số 69/2007/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam mà nó sẽ thay thế.

Việc nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài tác động lớn tới M&A. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo đó, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, hoặc của một nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và các cá nhân liên quan không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam, tức cao hơn 5% mức cũ. Tổng mức sở hữu cổ phần của các đối tượng này không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.

Với một số tổ chức tín dụng yếu kém, “room” 30% này có thể được nâng lên không hạn chế và do Thủ tướng quyết định cho từng trường hợp. Các nhà đầu tư nước ngoài có đầy đủ quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật Việt Nam,

Đặc biệt, Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đã có một số điều chỉnh quan trọng về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam giúp thúc đẩy M&A.

Theo đó: Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; theo các quy định liên quan trong trường hợp công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh đã có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài; tối đa là 49% đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài.

Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề (mà công ty đó hoạt động) có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác.

Đối với công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định trên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. nhà đầu tư nước ngoài cũng được đầu tư không hạn chế vào chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán, cổ phiếu không có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, chứng khoán phái sinh, chứng chỉ lưu ký, trừ trường hợp điều lệ của tổ chức phát hành có quy định khác.

Nghị định 01/2014/NĐ-CP và Nghị định 60/2015/NĐ-CP là một bứt phá mới về nhận thức và thể chế để tạo cơ hội và tăng động lực thu hút nhiều hơn dòng vốn ngoại vào thị trường tài chính Việt Nam, tạo sức bật mới cho chu kỳ tái cấu trúc và phát triển mạnh mẽ hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam thời gian tới.

Hơn nữa, việc nới room nêu trên còn cho phép mở rộng và tạo áp lực buộc các tổ chức tín dụng trong nước liên kết chặt chẽ hơn với các đối tác có tiềm lực nước ngoài. Thị truờng mua bán nợ, cũng như hoạt động mua bán doanh nghiệp-ngân hàng cũng sẽ được kích hoạt mạnh hơn.

Các chính sách mới của Chính phủ tạo động lực thu hút hơn dòng vốn ngoại cho thị trường tài chính.

Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Vai trò và thực quyền của Thủ tướng và cơ quan quản lý nhà nước sẽ đậm nét và linh hoạt hơn trong quyết định tái cấu trúc và buộc các tổ chức tín dụng yếu kém phải nỗ lực lành mạnh hóa theo hướng cổ phần hóa vốn và quốc tế hóa tiêu chuẩn, chất lượng hoạt động cao hơn, nhanh hơn và vững chắc hơn.

Điều này, cũng đồng nghĩa với việc tăng áp lực cạnh tranh và phá sản cho tổ chức tín dụng trong nước chuyển đổi hình thức pháp lý thành tổ chức tín dụng cổ phần, kể cả tổ chức tín dụng cổ phần tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trên 50% vốn điều lệ.

Đây cũng là thông điệp mới quan trọng nhất cho các tổ chức tín dụng, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đẩy nhanh tái cấu trúc theo cơ chế kinh tế thị trưởng hiện đại.

Việc nới room cho các nhà đầu tư trong nước cũng được thực hiện theo tinh thần không để tình trạng cổ đông lớn và người có liên quan vi phạm quy định về sở hữu cổ phần, dẫn đến thao túng, chi phối ngân hàng, phục vụ lợi ích riêng.

Theo đó, từ ngày 31/3/2015, cổ đông cá nhân, tổ chức và người vi phạm mức sở hữu tối đa trong các ngân hàng thương mại buộc phải chuyển nhượng cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước và sẽ mất quyền biểu quyết, cũng như không được ứng cử làm thành viên HĐQT, Ban kiểm soát; đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cấm tổ chức tín dụng được cấp tín dụng mới cho cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần.

Nếu đang có dư nợ với các đối tượng này, ngân hàng phải thu hồi sớm toàn bộ khoản tín dụng.

Thực tế cũng cho thấy cần nhiều hơn những đột phá chính sách về xử lý nợ xấu ngân hàng. Cụ thể, cho VAMC có quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quyền cưỡng chế như thi hành án, quyền đề nghị khởi tố và quyền đấu giá tài sản đảm bảo của những khoản nợ xấu ngân hàng thương mại mà VAMC đã mua.

Cùng với đó, điều chỉnh quy định buộc các ngân hàng thương mại sau khi bán nợ cho VAMC vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro, thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo và gánh chịu hậu quả nếu xảy ra thất thoát, cũng như các quy định liên quan khi xử lý nợ của Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam thuộc Bộ Tài chính (DATC) và các Công ty mua bán nợ của các ngân hàng thương mại để vừa phát triển mạnh thị trường mua - bán nợ xấu, vừa không bán rẻ tài sản đảm bảo, gây thất thoát tài sản doanh nghiệp và tài sản của đất nước…/.

Nguyễn Trần Minh Trí (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục