Công nghiệp giữ vững đà tăng trưởng

15:45' - 05/10/2015
BNEWS Bộ Công Thương dự báo, sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng khoảng 10% trong năm 2015, giá trị công nghiệp tăng thêm khoảng 7-7,5%, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,3%.
Sản xuất thép tại công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc họp giao ban tháng 9 của Bộ Công Thương diễn ra ngày 5/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, xu hướng tăng trưởng nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất trong nước đang tăng; các nhóm hàng dệt may, da giầy, linh kiện điện tử đã có đơn hàng ổn định, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

Về phía doanh nghiệp cũng đã duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng, chủ động đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường… là những điều kiện thuận lợi góp phần phát triển sản xuất công nghiệp.

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch – Bộ Công Thương, tính chung trong 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8%, cao hơn mức tăng 6,7% của cùng kỳ 9 tháng năm 2014 so với năm 2013.

Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho hay, về tăng trưởng các nhóm ngành, các ngành công nghiệp đều có mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước. Ngành chế biến chế tạo tăng 10,2%; ngành khai khoáng tăng 8,2%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,4%.

Nhiều sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng 9 tháng đầu năm 2015 cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn ngành như điện sản xuất; thép cán; điện thoại di động; tivi; ô tô ... Một số sản phẩm tăng trưởng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ như than sạch, phân đạm ure, vải dệt ...

Về tình hình tiêu thụ, ông Nguyễn Tiến Vỵ nhấn mạnh, tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, mức tồn kho toàn ngành tiếp tục duy trì thấp hơn so với năm 2014. Cụ thể, tính tại thời điểm 1/9/2015, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,9% so với cùng kỳ 2014, thấp hơn 1,7 điểm % của cùng thời điểm 2014.

Doanh nghiệp sản xuất da giày xuất khẩu. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Đánh giá về kết quả trên, theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và nhóm ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành là yếu tố tích cực của phát triển sản xuất kinh tế. Đồng thời, nhóm ngành cơ khí tăng trưởng khá là dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ bắt đầu xu hướng phát triển.

Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, nhìn chung, các doanh nghiệp vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước; kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất gia công, lắp ráp vẫn duy trì ở mức cao.

Để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu sản xuất công nghiệp cả về ngành kinh tế kỹ thuật, vùng và giá trị mới, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp song song với việc tiếp tục củng cố vị trí tại các thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng, cần chủ động hơn nữa về nguồn nhân lực (lao động và nguồn vốn…), đầu tư thiết bị, công nghệ phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước chủ động cung ứng nguyên phụ liệu.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trong 9 tháng qua, mặc dù kết quả sản xuất công nghiệp rất tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Trong những tháng tới có thể tiếp tục phải đối mặt với các khó khăn, thách thức từ việc suy giảm kinh tế của Trung Quốc, giá dầu thế giới khó dự đoán… Do đó, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu, các đơn vị cần tiếp tục tích cực cải cách môi trường kinh doanh, để nâng cao và hoàn thiện môi trường đầu tư, xuất nhập khẩu, để tạo thuận lơi cho doanh nghiệp đầu tư, hội nhập, đặc biệt là với các mặt hàng chủ lực như nông sản, thuỷ sản./.

Đức Dũng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục