Công nhân nghỉ việc nhận hỗ trợ: Bài cuối: Làm gì để bảo vệ quyền lợi lao động lớn tuổi?

16:32' - 29/07/2017
BNEWS Thực chất của hình thức thỏa thuận, hỗ trợ cho công nhân nghỉ việc là cách doanh nghiệp dùng để giảm sử dụng lao động lớn tuổi.

Tình trạng này đã xảy ra và sẽ còn gia tăng khi những chính sách, pháp luật liên quan lao động, bảo hiểm thay đổi.

Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách bảo đảm việc làm bền vững, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ cũng như an sinh xã hội lâu dài của Việt Nam.

Hỗ trợ cho công nhân nghỉ việc là cách doanh nghiệp dùng để giảm sử dụng lao động lớn tuổi. Ảnh minh họa: Vũ Sinh - TTXVN

Doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam đã mang theo trang thiết bị, công nghệ hiện đại, tuy nhiên, chính những lao động bình dị người Việt mới là yếu tố chính quyết định thành công, giúp cộng đồng doanh nghiệp ngoại phát triển như hôm nay.

Cái mà tất cả công nhân cần là tính ổn định, tuổi trẻ họ làm việc nhanh, năng suất cao, tuy nhiên mức lương lại thấp, đến khi lớn tuổi, sức lao động của họ có thể hạn chế song doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm bù đắp cho công nhân những năm tháng đã cống hiến. Đây là quy luật tự nhiên, là đạo đức kinh doanh mà tất cả mọi xã hội đều thừa nhận.

Ông Phạm Văn Cường chia sẻ: Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp tìm cách tiết kiệm chi phí sản xuất để tăng giá trị hàng hóa là bình thường.

Chính sách thỏa thuận hỗ trợ cho người làm việc lâu năm nghỉ việc không trái quy định pháp luật song để tránh phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp lao động, doanh nghiệp phải tổ chức thương lượng, thỏa thuận với người lao động trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng và công khai (công khai cả trong doanh nghiệp và ngoài cộng đồng).

Khi đưa ra chính sách công đoàn cơ sở cần được tham gia góp ý, nắm tình hình, giải đáp đúng, đầy đủ những thắc mắc của công nhân về các chế độ liên quan.

Doanh nghiệp phải lập danh sách những người đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động gửi cho trung tâm giới thiệu việc làm địa phương, chính quyền các cấp. Về phía ngành chức năng sẽ đề ra biện pháp hỗ trợ, giới thiệu việc làm mới nếu lao động có nhu cầu.

Theo đại diện Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Đồng Nai, có những doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận sẵn sàng tìm cách lách luật, sa thải công nhân vì mục tiêu kinh tế. Việc bảo vệ quyền lợi người lao động, xây dựng nền sản xuất tiến bộ, văn minh nếu chỉ chờ vào sự tự giác của doanh nghiệp thì không đủ.

Theo quy định trong Bộ luật Lao động sửa đổi (đang lấy ý kiến) về hơp đồng lao động, chủ sử dụng lao động chỉ được ký 2 hợp đồng xác định thời hạn liên tục, hợp đồng thứ 3 phải ký không thời hạn.

Đây là quy định mở song nếu doanh nghiệp chỉ ký một hợp đồng xác định thời hạn, sau đó không ký lại hợp đồng mới, lao động vẫn làm việc bình thường nhưng vẫn chỉ dựa trên hợp đồng có thời hạn, chủ sử dụng lao động có thể chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào.

Vấn đề loại thải lao động lớn tuổi đã xảy ra, cơ quan làm luật cần nghiên cứu lại quy định này- đại diện Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Đồng Nai đề nghị.

Tăng cường tuyên truyền pháp luật lao động, bảo hiểm

Lao động lớn tuổi dù tự nguyện thôi việc vẫn mang đến nhiều hệ lụy, về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chính họ. Những người này sẽ khó tìm được việc làm, tuổi già không có bảo hiểm y tế, không lương hưu.

Lúc đó vấn đề an sinh xã hội của quốc gia bị ảnh hưởng, Nhà nước, cộng đồng phải dùng nguồn lực để chăm lo cho họ.

Vấn đề cấp bách hiện nay là ngành chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, nâng cao nhận thức cho người lao động.

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai cho rằng, lao động lớn tuổi nghỉ việc dù với nguyên nhân nào (trừ nguyên nhân bất khả kháng) là điều không nên.

Năm năm qua, trung bình mỗi năm, lương tối thiểu của Việt nam tăng hơn 10%, nền kinh tế đang phát triển nhanh, ổn định, mức lương sẽ còn tiếp tục tăng, thu nhập của công nhân ngày một cao.

Khi đó, lương hưu sẽ đảm bảo cho công nhân có cuộc sống tốt lúc hết tuổi lao động.

Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là song song, thực hiện theo nguyên tắc đóng – hưởng.

Từ năm 2018, tiền đóng bảo hiểm xã hội sẽ gồm thu nhập ngoài lương, đây là điều chỉnh có lợi cho người lao động, khi đóng nhiều, lúc về hưu họ sẽ nhận lương cao, được chăm sóc y tế tốt.

Đây cũng là căn cứ để giải quyết các chế độ khác cho công nhân, đặc biệt khi xảy ra tranh chấp lao động.

Trong tổng số 26% đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, người lao động đóng 8%, số còn lại do chủ sử dụng lao động chịu trách nhiệm.

Trước tình trạng doanh nghiệp thực hiện chính sách cắt giảm lao động lớn tuổi, Bảo hiểm xã hội Đồng Nai đã tổ chức tuyên truyền tại các doanh nghiệp.

Vấn đề nâng cao nhận thức, giải đáp thắc mắc của công nhân về chế độ được ngành bảo hiểm Đồng Nai xác định là nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Theo Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, việc tinh giản lao động lớn tuổi tại các doanh nghiệp có đông công nhân là một vấn đề quan trọng, công đoàn đang đặc biệt lưu tâm.

Hiện các cấp công đoàn đã vào cuộc giám sát, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của Nhà nước; phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền để người lao động hiểu rõ pháp luật lao động, bảo hiểm, thấy được quyền lợi lâu dài của bản thân khi tiếp tục làm việc.

Tình trạng lao động lớn tuổi không được sử dụng sẽ còn diễn ra, dù dưới hình thức nào thì đây cũng là vấn đề nhức nhối của xã hội.

Cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện chính sách về quan hệ lao động theo hướng đảm bảo việc làm bền vững và xây dựng môi trường lao động an toàn, bình đẳng công bằng cho người lao động, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp.

>>> Công nhân lâu năm nghỉ việc nhận hỗ trợ: Bài 1: Tiềm ẩn hệ lụy khó lường

>>> Công nhân lâu năm nghỉ việc nhận hỗ trợ: Bài 2: Có doanh nghiệp chi hàng trăm tỷ đồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục