COP 23: Kiên định mục tiêu chống biến đổi khí hậu

17:10' - 19/11/2017
BNEWS Sau 12 ngày làm việc tích cực, COP 23 đã đạt được nhận thức chung về hiểm họa từ biến đổi khí hậu, qua đó kêu gọi các nước cùng chung tay hành động.

Bất chấp việc Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, đại diện của gần 200 quốc gia tham dự Hội nghị của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 23) tại thành phố Bonn của Cộng hòa Liên bang Đức cuối cùng đã đi đến nhất trí giữ vững cam kết đầy tham vọng đạt được tại Pháp cách đây hai năm về mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Đây là thành công lớn nhất và quan trọng nhất của COP 23.

Phiên cuối của Hội nghị của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 23) tại thành phố Bonn của Cộng hòa Liên bang Đức. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Sau 12 ngày làm việc tích cực, COP 23 đã đạt được nhận thức chung về hiểm họa từ biến đổi khí hậu, qua đó kêu gọi các nước cùng chung tay hành động.

Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi vấn đề biến đổi khí hậu là "thách thức trung tâm của nhân loại".

Quan điểm này được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chia sẻ khi cho rằng chống biến đổi khí hậu là "cuộc chiến quan trọng nhất thời hiện đại", trong khi Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres gọi biến đổi khí hậu là "mối đe dọa của thời đại chúng ta".
Tiến trình "Đối thoại Talanoa", có nghĩa là chia sẻ kinh nghiệm, sẽ được các nước cùng khởi động trong năm 2018 nhằm xem xét lại các kế hoạch giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hướng tới mục tiêu tham vọng của Hiệp định Paris 2015.

Việc soạn thảo bộ quy tắc chi tiết thực thi Hiệp định Paris 2015 cũng đã đạt được nhiều tiến triển tại COP 23. Dự kiến, vào cuối năm 2018, bộ quy tắc này sẽ ra mắt, qua đó trở thành công cụ thông báo cũng như theo dõi lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính của mỗi quốc gia.

Trong bối cảnh việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris 2015 phần nào ảnh hưởng đến nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các nước Trung Quốc, Ấn Độ hay Đức đã trở thành đầu tàu, cam kết giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thông qua nhiều chương trình, kế hoạch lớn, chuyển đổi thành các nền kinh tế xanh.

Thủ tướng Đức tuyên bố, nước Đức sẽ tăng mức đóng góp kinh phí cho việc chống biến đổi khí hậu vào năm 2020 lên mức gấp đôi so với năm 2014.

Mặc dù đã quyết định rút khỏi Hiệp định Paris 2015 nhưng tại COP 23, Mỹ vẫn cam kết hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo một cách riêng, không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng hay sự cạnh tranh của thị trường.

Mỹ vẫn để ngỏ khả năng tham gia trở lại Hiệp định Paris 2015, với những điều khoản có lợi hơn cho người dân Mỹ, trong đó có việc tiếp cận nguồn năng lượng giá rẻ và đảm bảo, cùng với thị trường mở và cạnh tranh.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi lớn nhất tại COP 23 là việc sử dụng than đá. Loại nhiên liệu hóa thạch này đang được dùng để sản xuất tới 40% sản lượng điện toàn cầu, đồng thời cũng tạo ra lượng khí thải lớn gây hiệu ứng nhà kính.

Tổ chức Hòa bình Xanh đánh giá, than đá là loại nhiên liệu "bẩn" nhất và việc loại bỏ than đá trên toàn cầu sẽ mang lại lợi ích cho khí hậu, con người và các nền kinh tế.

Sự ra đời của Liên minh chống sử dụng than đá, với 20 quốc gia, khu vực và thành phố cam kết loại bỏ dần việc sử dụng than đá, cũng là một điểm nhấn của COP 23, dù nhiều quốc gia thừa nhận, việc loại bỏ than đá ra khỏi "thực đơn năng lượng" là hết sức khó khăn, ngay cả đối với những nước phát triển, có tiềm lực tài chính và công nghệ rất mạnh.

Bất đồng vẫn thường xuyên xảy ra tại các Hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu hàng năm, và COP 23 tại Bonn cũng không phải là ngoại lệ. Hội nghị lần này kết thúc mà chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề tài chính.

Các nước đang phát triển yêu cầu một cam kết cụ thể và minh bạch hơn từ các quốc gia phát triển liên quan đến khoản hỗ trợ trị giá 100 tỷ USD hàng năm cho đến năm 2020 để giúp các nước nghèo hơn phát triển năng lượng sạch và ứng phó tốt hơn với các hậu quả của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, các đại diện đến từ các nước phát triển đã từ chối xem xét áp dụng các loại thuế hay các cách thức nào đó nhằm giúp các nước nghèo trang trải những thiệt hại ngày càng lớn mà họ phải hứng chịu do thiên tai.

Báo cáo của LHQ cho biết mực nước biển hiện đã tăng 26 cm kể từ cuối thế kỷ 19 do tình trạng băng tan và được dự báo sẽ tăng tới 1m vào năm 2100.

Theo kế hoạch, từ năm 2020, các nước tham gia Hiệp định Paris 2015 sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C, thậm chí 1,5 độ C, so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19).

Đây là ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng sẽ giúp Trái Đất tránh được những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán nặng, nước biển dâng và bão lớn.

Hàng nghìn cơn bão tàn phá khắp hành tinh mỗi năm, hàng nghìn ngôi làng, hòn đảo đã biến mất dưới mặt nước biển, các đợt hạn hán kéo dài đe dọa sự sống ở nhiều khu vực rộng lớn..., là những hệ quả rõ ràng và tất yếu do biến đổi khí hậu gây ra.

COP 23 đã thành công trong việc cứu vãn Hiệp định Paris 2015 khi không còn sự tham gia của Mỹ, qua đó thắp lên hy vọng cứu vãn hành tinh xanh trước nguy cơ hủy diệt do tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

>>>Châu Âu sẽ thay Mỹ thực hiện cam kết Hiệp định Paris

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục