CPI tháng 11 tăng thấp nhất trong 10 năm qua

11:32' - 24/11/2015
BNEWS Lạm phát cơ bản tháng 11 năm 2015 so với tháng 10 năm 2015 tăng 0,05% có mức tăng khá tương đồng với lạm phát chung do tỷ lệ đóng góp CPI chung của các nhóm hàng.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart Đinh Tiên Hoàng (Tp. Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 24/11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm nay tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 0,34% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,58% so với tháng 12 năm trước.

CPI bình quân 11 tháng năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,64%. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng với mức tăng không đáng kể là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,05%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,32% ... Có 2 nhóm hàng giảm là bưu chính viễn thông giảm 0,1% và giao thông giảm 0,38%.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá cho biết, CPI tháng 11 năm 2015 tăng chủ yếu do chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,31% bởi các thương lái thu gom lúa gạo cho hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia và Philippines.

Một số mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng cao hơn tháng trước do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vào mùa cưới tăng cao như thịt bò, hải sản tươi sống với mức tăng từ 0,17% đến 1,2%.
Rơi vào tháng giao mùa ở miền Bắc nên nhu cầu về một số mặt hàng quần áo, giầy dép phục vụ thu đông tăng làm cho chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%.

Giá gas tăng 3,7% so với tháng 10 do các doanh nghiệp tăng giá từ ngày 1/11 với mức tăng 17.000đ/bình 12 kg.
Tháng 11 là tháng giao mùa nên người dân hay mắc các bệnh về đường hô hấp do đó nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc cảm, thuốc vitamin tăng làm cho chỉ số giá thuốc y tế tăng 0,16%. Giá các dịch vụ y tế ổn định.
Bên cạnh những yếu tố gây tăng giá nêu trên cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế CPI trong tháng 11 năm 2015 giảm như: giá xăng giảm 900 đ/lít, dầu diezen giảm 210 đ/lít vào các ngày 19/10 và ngày 3/11 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 0,79% so với tháng trước.
Trong khi đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,5% chủ yếu giảm ở mặt hàng sắt thép xây dựng do giá phôi thép thế giới giảm.

Giá thép trong nước giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay, hiện giá các loại thép chỉ ở mức dưới 10.000đ/kg, giảm 300-400đ/kg; và giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,11% do một số doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá cước theo yêu cầu của Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cũng trong tháng 11, giá vàng biến động theo giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới đang chịu sức ép giảm giá trước khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào tháng 12 tới.

Ảnh minh họa (Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN)

Trong mấy ngày gần đây tỷ giá đô la Mỹ biến động tăng sát trần do đồng đô la Mỹ mạnh lên. Nhưng nhu cầu về đô la Mỹ trên thị trường không có biến động lớn và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam siết chặt hoạt động giao dịch ngoại tệ đồng thời giảm lãi suất đô la Mỹ đã tác động đến tâm lý tích trữ đô la Mỹ nên tỷ giá đô la Mỹ vẫn giao dịch trong biên độ. Bình quân cả tháng chỉ số giá đô la Mỹ giảm nhẹ 0,31% so với tháng trước.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, l ạm phát cơ bản sau khi loại trừ lương thực - thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục tháng 11 năm 2015 tăng 0,05% so với tháng trước, tăng 1,72% so với cùng kỳ.

Lạm phát cơ bản tháng 11 năm 2015 so với tháng 10 năm 2015 tăng 0,05% có mức tăng khá tương đồng với lạm phát chung do tỷ lệ đóng góp CPI chung của các nhóm hàng.
Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng so cùng kỳ năm trước tăng 2,08% cao hơn mức 0,64% của lạm phát chung do mặt bằng giá các mặt hàng tính lạm phát chung thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo CPI tháng 12, Vụ Thống kê giá cho biết, sẽ tăng nhẹ so với tháng trước và tăng trong khoảng từ 0,8-0,9% so tháng 12 năm trước.

Và như vậy, CPI b ình quân năm 2015 so với năm 2014 sẽ tăng từ 0,65-0,67% do một số yếu tố như giá lương thực, thực phẩm tăng nhẹ do nhu cầu gạo xuất khẩu, cùng với nhu cầu tiêu dùng vào cuối năm. Tuy nhiên với nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào nên giá các mặt hàng này không tăng đột biến.
Đồng thời, do nhu cầu vào thời điểm giao mùa sang mùa lạnh và nhu cầu mua sắm cuối năm sẽ ảnh hưởng đến giá của nhóm hàng may mặc, giày dép và đồ dùng gia đình sẽ tăng nhẹ.
Tuy nhiên, Vụ Thống kê giá cũng nhấn mạnh, nếu giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng, CPI tháng 12 năm 2015 dự báo sẽ tăng khoảng 1,5-1,7% so với tháng trước và tăng 2,1-2,3% so tháng 12 năm trước. Bình quân CPI năm 2015 so năm 2014 sẽ tăng từ 0,75-0,77%./.
Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục