CPTPP và những quan ngại trước giờ G

06:30' - 07/03/2018
BNEWS CPTPP, Hiệp định thay thế TPP, được lên kế hoạch ký kết chính thức vào ngày 8/3 tới đây.

Kế hoạch này được tuyên bố hồi cuối tháng 1, và vừa rồi khi các nước công bố Văn kiện đầy đủ của Hiệp định này, tất cả vẫn khẳng định kế hoạch ký kết là không đổi.

Mặc dù vậy, giới quan sát  vẫn chưa thể yên tâm khi vẫn còn đó những quan ngại liên quan tới mức độ sẵn sàng của Canada.

Còn nhớ, tại APEC 2017 khi các nước thành viên còn lại của TPP chạy nước rút để đàm phán về tương lai của TPP thì trong một phiên họp quan trọng, Thủ tướng Canada đã không tham dự.

May mắn là cuối cùng, Tuyên bố chung chính thức về việc hình thành một hiệp định CPTPP mới cũng đã được thống nhất thông qua bởi cả 11 nước. Mặc dù vậy, vẫn còn đó nỗi lo mang tên Canada.  

Canada nói vấn đề khúc mắc chính là về “ngoại lệ văn hóa”. Mặc dù vậy, giới quan sát lại phỏng đoán Canada chưa sẵn sàng vì vấn đề quy tắc xuất xứ với ô tô.

Theo một nghiên cứu mới đây của Chính phủ Canada thì thiếu Mỹ trong CPTPP, Canada có thể có nhiều lợi ích từ việc gia tăng tiếp cận thị trường các nước thành viên CPTPP mà không phải cạnh tranh với Mỹ.

Tuy nhiên, ngành sản xuất ô tô của nước này có thể sẽ khó có thể đáp ứng được quy tắc xuất xứ mới theo CPTPP nếu thiếu Mỹ vì một lượng lớn nguyên liệu sản xuất ô tô của nước này nhập khẩu từ Mỹ theo ưu đãi thuế quan trong NAFTA. Vì vậy có tin Canada vẫn đang tìm kiếm các thỏa thuận riêng với Úc và Malaysia để hạ thấp yêu cầu về hàm lượng khu vực đối với các sản phẩm ô tô.

Trong khi đó, Mỹ dường như lại đang muốn quay về với TPP. Cụ thể, ngay sau khi 11 nước TPP tuyên bố kết thúc đàm phán CPTPP cuối tháng 1/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc phỏng vấn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ngày 26/1/2018 đã nói rằng ông để mở khả năng quay trở lại TPP nếu có được một thỏa thuận “tốt hơn đáng kể”.

Theo Thời báo Nhật, trưởng đoàn đàm phán CPTP của Nhật Bản, ông Kazuyoshi Umemoto, hôm 22/2/2018 cũng đã nói rằng một trong những lý do các nước cố gắng giữ cho văn kiện CPTPP không khác nhiều so với TPP là để khuyến khích Mỹ quay trở lại hiệp định.

Liên quan đến sự việc này, Đại sứ Úc tại Mỹ đã phát biểu rằng Úc và các nước thành viên CPTPP vẫn hy vọng Mỹ sẽ quay trở lại hiệp định. Nhưng các nước CPTPP dường như sẽ không trì hoãn việc ký CPTPP để chờ Mỹ có quyết định..

Ngày 8/3 đang tới rất gần, và hy vọng từ nay tới đó những quan ngại sẽ được giải quyết ổn thỏa, để CPTPP hoàn tất chặng đường chông gai thời gian vừa qua.

Sau ký kết, CPTPP sẽ phải được các nước thành viên phê chuẩn theo thủ tục nội bộ của các nước và chỉ có hiệu lực sau khi có ít nhất 6 nước thành viên hoàn tất thủ tục phê chuẩn nội bộ này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục