Cử tri đánh giá cao chất lượng phiên thảo luận về kinh tế xã hội

16:52' - 02/11/2015
BNEWS Đông đảo cử tri trong cả nước đánh giá cao chất lượng phiên thảo luận về kinh tế - xã hội trong Chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII diễn ra hôm nay 2/11.

Thực hiện Chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, sáng 2/11 các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và 5 năm 2016-2020.

Theo dõi phiên thảo luận được tường thuật trực tiếp qua sóng phát thanh, truyền hình, đông đảo cử tri trong cả nước đánh giá cao chất lượng phiên thảo luận; đồng thuận với các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế đất nước, đề xuất những giải pháp khắc phục, phát triển trong năm 2016 và 5 năm tới (2016 - 2020). Phóng viên TTXVN đã ghi nhận một số ý kiến của cử tri Hà Nội, Tuyên Quang, Kiên Giang. 

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Trần Quốc Tuấn phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

 Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới 

Đồng tình với ý kiến các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường, cử tri Đỗ Minh Nhựt (Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang) kiến nghị: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả gắn với phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Qua đó, xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trước hết quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, trong đó tập trung đầu tư sản xuất lúa tại hai vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, cà phê, cao su, tiêu ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên…

Trên cơ sở đó, tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực phù hợp với từng vùng sinh thái có lợi thế cạnh tranh, giá trị kinh tế cao gắn với xây dựng thương hiệu mang tính chiến lược.

Cụ thể như vùng đồng bằng sông Cửu Long cần xác định lúa, thủy sản, cây ăn quả, chăn nuôi… là những mũi nhọn kinh tế chủ lực của vùng, vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vừa nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nông dân.

Vì vậy, cần chú trọng mô hình cánh đồng lớn, mô hình sản xuất có giá trị gia tăng cao gắn với nâng cao giá trị kinh tế tập thể, liên kết sản xuất “4 nhà”: Nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước để tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, đồng nhất, chất lượng cao, nguyên liệu “sạch” phục vụ chế biến xuất khẩu; gắn sản xuất, vùng nguyên liệu với thị trường theo phương châm “tạo ra những sản phẩm hàng hóa thị trường cần”, chấm dứt tình trạng “được mùa mất giá - được giá mất mùa”. 

Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Quan tâm đời sống đồng bào vùng sâu, vùng xa 

Theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội, cử tri Đặng Văn Bất (Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội) đặc biệt quan tâm tới nội dung bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, khả năng tiếp cận, giao lưu thương mại với trung tâm Thủ đô còn hạn chế, thu nhập cũng hạn chế theo. 

Để từng bước nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi, cử tri Đặng Văn Bất kiến nghị, cần tập trung vào một số giải pháp hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững như: Khuyến khích lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia xuất khẩu lao động; gắn vay vốn với tập huấn hướng dẫn sản xuất, kinh doanh, sử dụng nguồn vốn hiệu quả; xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, hiệu quả, phù hợp với từng địa phương…

Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực 

Để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cử tri Phí Định Kiên (Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội) cho rằng, cần thiết phải đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư đúng đắn cho giáo dục, đổi mới chương trình đào tạo tại các trường cho sát với thực tế. 

Theo cử tri Phí Định Kiên, lâu nay việc giảng dạy tại các trường không sát thực với những gì mà doanh nghiệp cần, chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu… dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp nhiều, thị trường lao động ở tình trạng vừa thừa, vừa thiếu (thừa thầy, thiếu thợ, thừa lao động phổ thông, thiếu lao động trình độ cao).

Các sinh viên sau khi tốt nghiệp đi xin việc đa số được các nhà tuyển dụng đánh giá là có kiến thức nhưng thiếu hụt nhiều kỹ năng quan trọng: Như ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy… Việc học ở Việt Nam chưa đi đôi với thực hành, nên khi sinh viên tốt nghiệp ra trường rất thiếu kiến thức thực tế, rất khó làm việc tại doanh nghiệp.

Vì vậy, cử tri Phí Định Kiên đề nghị, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần thiết phải có định hướng cụ thể và quy hoạch chi tiết về phát triển hệ thống giáo dục, đảm bảo đồng bộ về quy mô, cơ cấu ngành nghề, kế hoạch giáo dục và trình độ đào tạo… sát với nhu cầu thực tế. 

Phóng viên TTXVN tại các địa phương 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục