Cửa mở cho “vốn rẻ”

15:57' - 28/05/2016
BNEWS Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Nhiều ngân hàng thương mại rục rịch hạ lãi suất huy động.Ảnh minh họa: TTXVN.

Thị trường tiền tệ đang chứng kiến một “làn sóng” hạ lãi suất cả cho vay lẫn huy động, điều mà trước đó cả nhà quản lý lẫn chuyên gia đều nhận định là khó khả thi cho năm 2016.

Tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra hồi cuối tháng 4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đã cam kết kêu gọi các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có thể hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp.

Ngay sau lời “hiệu triệu” này, nhiều ngân hàng lớn đã đồng loạt hạ một số mức lãi suất cho vay. Trong cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại diễn ra sau đó, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết các ngân hàng thương mại đã có sự đồng thuận, dự kiến giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,3% - 0,5%/năm và giảm lãi suất trung và dài hạn xuống dưới 10%.

Trong vài ngày trở lại đây, nhiều ngân hàng thương mại lại rục rịch hạ lãi suất huy động sau một thời gian “neo” ở mức cao. Cụ thể, biểu lãi suất huy động mới nhất của VPBank cho thấy, với khoản tiền gửi dưới 100 triệu, lãi suất huy động tại kỳ hạn 1-4 tháng còn 4,6-5% (giảm 0,1%), các kỳ hạn còn lại cũng giảm 0,1% còn 6,0 - 7,1%.

Trong biểu lãi suất huy động mới nhất được Eximbank công bố, kỳ hạn 6 tháng lãi suất giảm 0,1% chỉ còn 5,5%. Còn với khoản tiền trên 10 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng giảm xuống 7,8%/năm thay vì lãi suất 8%/năm trước đó. Tương tự, Sacombank cũng chính thức điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất ở một số kỳ hạn chủ chốt 0,1%.

Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng giảm từ 5,8% xuống 5,7%. Với kỳ hạn 12 và 18 tháng, lãi suất về lần lượt 6,5% và 6,55%, giảm nhẹ so với trước. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hoạt động cho vay yếu có thể là nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại dư thừa thanh khoản, kéo theo đó là lãi suất giảm trong thời gian qua. Và đây có thể chỉ là hiệu ứng tạm thời.

Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào thì đây cũng là tín hiệu tốt để kỳ vọng hạ thêm lãi suất cho vay. Giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp luôn là yêu cầu cấp bách.

Mới đây, ngày 16/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Tại Nghị quyết này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp hạ lãi suất. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng-TTXVN

Cụ thể, rà soát, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng, bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; nghiên cứu, xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý, khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính – Bộ Tài chính), vấn đề giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, giảm gánh nặng nợ cho nền kinh tế đã được đề cập từ lâu, đặc biệt là khi lạm phát xuống dưới mức 2% vào cuối năm 2014.

Tuy nhiên, trong năm 2015 nền kinh tế có bước phục hồi, đồng thời tỷ giá biến động mạnh, nên chính sách giảm lãi suất, mặc dù được Chính phủ định hướng từ đầu năm 2015, đã không được thực hiện quyết liệt.

“Nhưng từ quý I/2016, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đã có dấu hiệu chững lại. Vấn đề giảm lãi suất cho vay vì vậy trở nên cấp bách hơn. Mặc dù vậy, để lãi suất cho vay có thể giảm như kỳ vọng, cần có động thái chính sách rõ ràng hơn từ Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất huy động, chứ không thể chỉ dựa vào thiện chí của các ngân hàng thương mại”, Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ nói.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, diễn biến lãi suất từ nay đến cuối năm 2016 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự biến động của lạm phát.

Ông Đặng Ngọc Tú, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận định dự địa để giảm lãi suất không lớn. Bởi kỳ vọng lạm phát năm 2016 cao hơn năm 2015. Ông Tú tính toán giả sử lãi suất danh nghĩa hiện tại bằng năm 2015, kỳ vọng lạm phát khoảng 3 – 4% thì lãi suất thực chỉ giảm 2 – 3%.

Mặc dù lạm phát tăng và một số sức ép tăng lãi suất đặt ra thách thức nhất định, song người đứng đầu ngành ngân hàng đã khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ ổn định lãi suất. Và động thái mới nhất là ngày 27/5, Thống đốc ngân hàng đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016.

Trong đó, Thống đốc chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Cùng với đó là rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.

Với những chính sách trên, giới phân tích kỳ vọng, doanh nghiệp sẽ thêm nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn “vốn rẻ”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục