Cuộc khủng hoảng di cư: Sự lỏng lẻo của hệ thống Schengen (Phần 1)

05:30' - 01/07/2018
BNEWS Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã cho thấy những thiếu sót trong kế hoạch của liên minh tiền tệ châu Âu, cuộc khủng hoảng di cư năm 2015-2016 cũng đã để lộ ra sự lỏng lẻo của hệ thống Schengen.

Bằng việc bãi bỏ kiểm soát các đường biên giới nội bộ, các nước tham gia Hiệp ước

Tàu chở người di cư được cứu sống trên Địa Trung Hải ngày 12/6. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

trên thực tế đã loại bỏ một yếu tố cốt lõi của chủ quyền quốc gia để ủng hộ việc tự do đi lại. Tuy nhiên, họ đã bắt đầu thực hiện dự án liên bang này mà thiếu đi việc xây dựng cơ sở pháp lý và các thể chế cần thiết, cũng như thiếu đi việc đặt ra các thỏa thuận chung quan trọng để bảo vệ các đường biên giới bên ngoài của họ và kiểm soát dòng người di cư và tị nạn.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính, các thành viên EU cùng nhau củng cố liên minh tiền tệ thông qua các công cụ mới mạnh mẽ, đồng thời hy sinh sự kiểm soát đối với các hệ thống ngân hàng của họ để cứu lấy đồng euro. Trong khi đó, phản ứng trước cuộc khủng hoảng tị nạn gần đây chỉ là điều đối lập.
Bằng việc trông cậy vào các biện pháp quốc gia như sự kiểm soát hay các hàng rào biên giới để ngăn chặn dòng chảy người di cư và những người xin tị nạn đổ vào, các nước thành viên chọn hy sinh một phần chức năng của Schengen thay vì khả năng đưa ra các quyết định ở cấp quốc gia về di dân và tị nạn.
Sự tái quốc gia hóa này, kết hợp với sự nổi lên của tâm lý bài ngoại và nền chính trị bản sắc ở nhiều nước EU, hiện đang cản trở việc phát triển các công cụ chung mạnh mẽ để đối phó với những thách thức di dân.
Rõ ràng các quy tắc và các thể chế của EU mạnh mẽ hơn vẫn là cần thiết để kiểm soát các đường biên giới bên ngoài và thiết lập các chính sách hiệu quả về tị nạn và di dân. Một cách tiếp cận tham vọng hơn là cần thiết cho việc thiết lập một hệ thống tị nạn tích hợp thực sự và chính sách di dân mang tính phối hợp tốt hơn.

Cùng với đó, việc thiếu hụt khả năng và niềm tin giữa các quốc gia thành viên phải được giải quyết. Nếu điều này không diễn ra, EU sẽ vẫn tiếp tục bị tổn hại bởi làn sóng di cư khác, và sự ổn định dài lâu của hệ thống Schengen - và thậm chí là chính bản thân EU - sẽ lâm vào cảnh nguy hiểm nghiêm trọng.
Số đơn xin tị nạn vào EU trong năm 2017 đã giảm 43% so với năm 2016. Các trung tâm tiếp nhận lớn gần như vắng vẻ, và các phòng tập thể dục của trường học, các doanh trại quân đội đang trở lại đúng các chức năng ban đầu của chúng. Nhưng dù cuộc khủng hoảng sâu sắc đã kết thúc, thì tình hình khó có thể trở lại bình thường.
Cuộc bầu cử Italy năm 2018 chứng minh rằng những quan ngại xung quanh vấn đề di dân và tị nạn tiếp tục chi phối sự quan tâm của công chúng và định hình chính trị quốc gia EU. Những sự kiểm soát biên giới ở một vài đường biên giới trong Schengen vẫn tồn tại, và di dân vẫn là mối quan ngại hàng đầu của công dân EU.
Điều này dấy lên một câu hỏi quan trọng: Tại sao dòng chảy 1,4 triệu người tị nạn vào năm 2015 lại có một tác động lâu dài và gây đau buồn như vậy đối với tinh thần chung của người dân châu Âu? Xét cho cùng, những người xin tị nạn chỉ là một phần thiểu số trong toàn bộ số người di cư vào châu Âu; các nước thành viên EU đã cấp 12,5 triệu thẻ cư trú lần đầu cho những công dân không thuộc EU từ năm 2012 đến năm 2016.

Tương tự, các nước khác đã đối phó với các dòng chảy tị nạn to lớn hơn với biến động chính trị ít hơn. Thổ Nhĩ Kỳ, với tổng dân số là 80 triệu người, hiện đang là nơi trú ngụ của 3,7 triệu người tị nạn có đăng ký. Tại Liban, hiện số lượng người tị nạn ước tính chiếm 30% dân số.
Một câu trả lời hợp lý là tính chất hoàn toàn bất ngờ của cuộc khủng hoảng tị nạn. Dòng chảy người tị nạn ồ ạt gần đây nhất vào EU là sau cuộc Chiến tranh Nam Tư vào giữa những năm 1990. Từ đó đến năm 2015, phần lớn những người châu Âu sống trong sự thoải mái và an toàn. Họ chắc chắn có nhận thức về sự bất ổn ngày càng tăng gia ở nước hàng xóm của châu Âu, cuộc khủng hoảng ở Ukraine, và tình trạng hỗn loạn của mùa Xuân Arập cũng như hậu quả của nó.
Nhưng những vấn đề rắc rối này dường như ở quá xa, hầu như không có hậu quả đối với EU. Và rồi, bất chợt, hàng trăm nghìn người tị nạn và di cư trèo ra khỏi thuyền, đi bộ xuyên biên giới, chiếm giữ các khu vực công cộng ở các thành phố và làng xóm ở châu Âu. Sự xuất hiện lộn xộn của họ không những đập tan ảo ảnh của sự tĩnh lặng, mà còn chỉ ra sự mất kiểm soát của châu Âu.
Những người tị nạn đã đến vào thời điểm châu Âu mới chỉ vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của giai đoạn chiến tranh. Thực tế là những người tị nạn mới đến này ít nhất ban đầu sẽ đặt ra một gánh nặng về dịch vụ xã hội và các khoản ngân sách đã khiến cộng đồng cảm thấy ngày càng thất vọng. Đặc biệt, những người nghèo nhất châu Âu đã sớm cảm nhận được rằng người tị nạn đang được hưởng đặc ân tiếp cận tới những lợi ích và sự hỗ trợ tài chính, trong khi họ thì không được.
Quan ngại chung ngày càng sâu sắc khi mà dòng chảy ồ ạt đổ vào đã bắt đầu liên quan đến khủng bố Hồi giáo và làm gia tăng tội phạm. Cho dù hầu hết các hành động khủng bố được thực hiện bởi những công dân châu Âu và tỷ lệ tội phạm nói chung vẫn thấp, nhưng việc truyền thông không ngừng xoáy vào những rắc rối có liên quan tới những người xin tị nạn đã làm gia tăng cảm giác mất an ninh của người châu Âu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục