Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh đã đến hồi kết?

05:30' - 19/07/2017
BNEWS Theo bài viết trên trang mạng của tổ chức phân tích thông tin tình báo "Stratfor" ngày 12/7, cuộc khủng hoảng trong nội bộ Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã đến thời điểm bước ngoặt.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp gỡ người đồng cấp Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani tại Doha, Qatar. Ảnh: Reuters

Ngày 11/7, trong ngày thứ hai của chuyến công du nhằm mục đích "tháo ngòi nổ" căng thẳng trong khối này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã ký một thỏa thuận chống khủng bố với chính phủ Quatar. 

Mặc dù nội dung của thỏa thuận còn mơ hồ, song thông điệp thì rõ ràng: Nước Mỹ muốn chấm dứt mối hiềm khích giữa một bên là Qatar và bên kia là Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE). 

Riyadh và Abu Dhabi sẽ phải thay đổi quan điểm của mình trong cuộc tranh cãi với Doha, hầu hết xung quanh cái gọi là sự hỗ trợ của Qatar đối với các tổ chức khủng bố, sau khi đạt được một biên bản ghi nhớ.

Tuy nhiên, ngay cả khi thỏa thuận này thúc đẩy được một giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay trong khối, thì một cuộc xung đột khác hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai không xa.

Nếu các thành viên có thể cùng bước sang trang mới, GCC sẽ là một liên minh mạnh gồm những quốc gia hầu hết theo dòng Sunni có tài chính và tài nguyên dồi dào.

Những cường quốc chủ chốt như Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đều muốn có khối này làm đồng minh vì muốn khai thác cả an ninh năng lượng lẫn ảnh hưởng của khối này tại khu vực Trung Đông nhiều biến động. 

Tuy nhiên, những bất hòa giữa các thành viên GCC thường phủ bóng đen lên sự liên kết chiến lược giữa những nước này, mà minh chứng rõ ràng là cuộc khủng hoảng ngoại giao mới nhất.

Mối bất hòa hiện nay là cuộc tranh cãi nội bộ căng thẳng nhất trong lịch sử 37 năm của GCC. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên mà cũng không phải là lần cuối cùng.

Bằng cách ký bản ghi nhớ với Mỹ, Qatar đã làm suy yếu luận điệu của Saudi Arabia và UAE rằng Doha phải nỗ lực hơn nữa để chống khủng bố. Washington quan tâm đến cuộc xung đột này chủ yếu vì những cáo buộc rằng Qatar tài trợ cho các tổ chức khủng bố.

Chính phủ Qatar tán dương thỏa thuận này là có ý nghĩa củng cố mối quan hệ hợp tác chống khủng bố lâu năm với Mỹ và là một thỏa thuận mới mang tính đột phá vì đây là lần đầu tiên một thành viên GCC ký một văn kiện như vậy.

Đồng thời, Ngoại trưởng Qatar cũng bác bỏ bất kỳ mối liên quan nào giữa bản ghi nhớ này với cuộc khủng hoảng trong GCC. Về phần mình, ông Tillerson đã tái xác nhận rằng thỏa thuận này đã được thảo luận từ vài tháng trước, và rằng Mỹ sẽ kêu gọi những văn kiện tương tự từ các nước GCC khác.

Dù thực tế là thế nào đi chăng nữa, thỏa thuận nêu trên cũng có tác dụng chặn trước những nỗ lực của Riyadh nhằm khoét sâu tranh chấp bằng cách lợi dụng các vấn đề toàn cầu để vận động các nước thành viên GCC cô lập Qatar.

Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ gần như không thể giải quyết được những mâu thuẫn ngầm trong nội bộ GCC. 

Những khúc mắc giữa Saudi Arabia và Qatar đã âm ỉ trong nhiều năm và bao gồm cả sự độc lập về chính sách đối ngoại của Doha, sự phản kháng của Qatar trước sự kiểm soát của Riyadh, quan hệ của Quatar với Iran, các tổ chức Hồi giáo mà Doha hậu thuẫn.

Những bất đồng giữa hai nước này đã gây ra những cuộc xung đột trong quá khứ và không biến mất ngay cả khi cuộc khủng hoảng hiện nay lắng dịu.

Ngoài ra, bằng động thái hôm 10/7 công bố những chi tiết bị rò rỉ về thỏa thuận đã ký với Qatar hồi năm 2014 để giải quyết cuộc tranh cãi ngoại giao khi đó, Riyadh muốn nhấn mạnh rằng cuộc tranh cãi hiện nay hoàn toàn là do lỗi của Doha.

Mặt khác, Washington đang thể hiện là bên trung lập đối với cuộc xung đột này, khác những gì mà RiyadhAbu Dhabi có thể kỳ vọng ban đầu.

Chuyến công du của ông Tillerson tới Qatar và lời khẳng định của ông rằng tất cả các nước GCC tham dự hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 5 vừa qua đều sẽ ký biên bản ghi nhớ như Doha vừa ký được xem là tín hiệu gửi tới Saudi Arabia.

Nếu Riyadh hiểu rằng sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị này là dấu hiệu cho thấy Mỹ đứng về phía họ, thì họ cần phải nghĩ lại. Washington đã nói rõ rằng cuộc chiến chống khủng bố là ưu tiên chính của họ, và họ không muốn trong khối có sự rạn nứt nào ngăn cản nỗ lực đó.

Chuyến công du của ông Tillerson tới Qatar cho thấy cuộc khủng hoảng trong GCC đã lên tới đỉnh điểm và từ giờ sẽ bắt đầu được "tháo ngòi nổ", chí ít là về mặt công khai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục