Cước vận tải, hàng tiêu dùng khó giảm giá do sát Tết

16:05' - 04/02/2016
BNEWS Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cho rằng, thời điểm này, giá xăng giảm rất khó tác động được tới giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Giá hàng hoá tiêu dùng thiết yếu không có dấu hiệu giảm do sát tết. Ảnh:TTXVN

Giá xăng dầu đã tiếp tục giảm lần thứ 8 kể từ tháng 10/2015 đến nay, với tổng mức giảm giá vào khoảng 3.300 đồng/lít. Tuy nhiên, giá hàng hoá tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ vận tải không có dấu hiệu giảm theo với lý do giáp Tết.
Khảo sát tại các chợ Hôm, chợ Mơ trên địa bàn Hà Nội... trong ngày 4/2, giá cả nhiều mặt hàng không những không giảm mà còn có xu hướng tăng so với thời điểm tháng trước. Thậm chí, rau, củ còn tăng giá gấp 2 - 3 lần so với tháng trước.

Cụ thể, giá thịt bò đang ở mức từ 240.000 đồng/kg, giá gà ta từ 130.000-150.000 đồng/kg, đùi gà 75.000 đồng/kg, thịt rọi, thịt thăn giá 105.000-120.000 đồng/kg..., đều đã tăng nhẹ từ 5.000 – 15.000 đồng tuỳ loại.
Các loại rau, quả đều có mức tăng mạnh so với tháng trước. Đơn cử, rau cải xanh ở mức 15.000 đồng/mớ (tăng gấp đôi), cải thảo 18.000-20.000 đồng/mớ (tăng 10.000 đồng), cà chua 30.000-35.000 đồng/kg (tăng gấp đôi); súp lơ 30.000 -35.000 đồng/cây, xu hào 13.000 - 15.000 đồng/củ (tăng từ 2-3 lần); rau muống 20.000-25.000 đồng/mớ (tăng 2-3 lần)...

Theo anh Nguyễn Anh Tú, bán thịt bò tại chợ Mơ, hiện đang thời gian sát Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thời tiết cũng không mấy thuận lợi nên giá cả nhiều mặt hàng khó có thể đứng yên chứ đừng nói là giảm, đặc biệt là các loại rau củ quả, thời tiết khắc nghiệt nên lượng cung hàng hoá hạn chế.

Giá vận chuyển của các đơn vị vận tải đã giảm, nhưng điều này không có tác động tới giá cả tiêu dùng tại chợ, các đầu mối, thương lái vẫn giữ nguyên giá hàng hóa khi ra chợ.
Tại quầy hàng khô của chị Nguyễn Thu Trang, giá cả cũng không giảm so với thời điểm này tuần trước. Chị Trang cho biết, sát Tết rồi nên cái gì cũng lên giá. Giá cả hàng hoá, rau, thịt đã nhúc nhích từ hôm tiễn ông Táo về trời (23 âm lịch). Có thể đến cuối tuần này, khoảng 28-29 âm lịch thì giá sẽ tiếp tục tăng lên, nếu thời tiết tiếp tục rét buốt như hiện nay.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cho rằng, thời điểm này, giá xăng giảm rất khó tác động được tới giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Bởi ngoài việc đang là thời điểm Tết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thì khâu phân phối của chúng ta còn yếu kém, đẩy giá hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng lên cao. Do vậy, bàn tay nhà nước phải làm tốt khâu phân phối bằng cách giảm bớt các kênh phân phối trung gian; phải kết nối doanh nghiệp sản xuất và cung ứng để đưa hàng đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất và giá rẻ nhất…

Ở dịch vụ vận tải taxi, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, ở lần giảm giá xăng trước, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện giảm cước vận tải.

Nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện giảm được do giá cước vẫn ở mức thấp, Hiệp hội cũng đề nghị các doanh nghiệp tính toán lại chi phí, để sau Tết đưa phương án điều chỉnh phù hợp với giá xăng, đảm bảo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hài hoà lợi ích với người dân.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục