Đã có phần mềm gọi xe thông minh cạnh tranh với Uber, Grab

15:44' - 05/05/2017
BNEWS Ứng dụng APPP cho phép khách hàng và lái xe “tự quyết định giá” thông qua bàn thảo giữa hai bên. APPP có 8 tài xế/lượt quét của khách hàng và quá trình bàn thảo giá diễn ra trong khoảng nửa giây.
Ký kết hợp tác và ra mắt ứng dụng APPP. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (UTT) với Công ty Sapa Thale (Đức) và ra mắt ứng dụng gọi xe từ điện thoại thông minh là APPP ngày 5/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đánh giá, Công ty Sapa Thale là một doanh nghiệp lớn của Đức hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục.
Việc hai đơn vị ký thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải sẽ là một cơ hội lớn để UTT có điều kiện đầu tư phát triển, tiến tới hội nhập quốc tế. Qua đó, đóng góp nguồn lực chất lượng cao cho ngành giao thông vận tải.
Ông Đào Văn Đông, Hiệu trưởng UTT cho biết: “Với các mối quan hệ hợp tác với Sapa Thale, chúng tôi mong muốn mở rộng thiết lập quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện nay, trường đang thực hiện hợp tác với một số doanh nghiệp, trường đại học của Pháp, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Nga, Lào,.... Thông qua các hợp tác này, chúng tôi có thể đẩy mạnh chất lượng giảng dạy, nghiên cứu cũng như khả năng áp dụng thực tế các giải pháp do Trường nghiên cứu”.
Theo biên bản ký kết, Công ty Sapa Thale và Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau, đặc biệt là cách tiếp cận mới trong lĩnh vận tải và giao thông nhằm tìm kiếm những giải pháp giao thông thông minh để có thể giúp cải thiện tình hình giao thông công cộng, nâng cao hiệu quả vận tải hàng hóa và giảm thiểu tác động môi trường… tại Việt Nam.
Tại lễ ký kết, Sapa Thale và Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải đã ra mắt ứng dụng gọi xe từ điện thoại thông minh là APPP. Đây là dự án được Sapa Thale tài trợ cùng phát triển với nhóm nghiên cứu của Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải. Ứng dụng sẽ được triển khai tại Việt Nam .
Ông Nguyễn Đắc Nghiệp, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Sapa Thale cho biết, ứng dụng APPP có sự kết hợp nhiều tính năng mới với thế mạnh am hiểu của người tiêu dùng Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của thị trường Việt Nam.
Liên quan đến tính năng sản phẩm, theo Sapa Thale người tiêu dùng Việt Nam vẫn theo “thuận mua vừa bán”. Giao dịch sẽ thành công bởi độ chính xác, sự hài lòng và trung thành. Chính vì vậy Sapa Thale để khách hàng và lái xe “tự quyết định giá” thông qua bàn thảo giữa hai bên. Sapa Thale có 8 tài xế/lượt quét của khách hàng và quá trình bàn thảo giá diễn ra trong khoảng nửa giây.
Ông Mai Hải Đăng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sapa Thale cho biết thêm: "APPP cho phép tài xế định giá qua việc có nhiều phương tiện khác nhau gồm xe 4 chỗ, 7 chỗ và dòng xe cao cấp. Tuy nhiên, vì có rất nhiều loại phương tiện khác nhau; trong đó có một vài loại phương tiện phục vụ nhu cầu công cộng (học sinh, sinh viên, người già, trẻ em...) nên chúng tôi vẫn áp dụng cả mức giá truyền thống của ngành giao thông vận tải là giá mở của và giá trên từng km".

Hiện tại, Sapa Thale đang cân nhắc một vài phương án về giá. Theo đó, giá mở cửa dao động từ 8.000 - 8.500 đồng/km và giá di chuyển trên đường dao động từ 6.000 - 6.300 đồng/km./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục