Đà Nẵng phát triển kinh tế biển theo hướng "vươn xa"

18:39' - 04/09/2016
BNEWS Cho đến nay, sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Đà Nẵng tiếp tục khẳng định “thương hiệu” bằng những cách làm sáng tạo, đột phá, phát triển đầy sáng tạo.
Tàu chở container vào bốc dỡ hàng tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Ảnh: Trần Lê Lâm–TTXVN

Cho đến nay, sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Đà Nẵng tiếp tục khẳng định “thương hiệu” bằng những cách làm sáng tạo, đột phá, phát triển đầy sáng tạo như đánh giá, kết luận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các cuộc làm việc với thành phố.

Bức tranh phát triển kinh tế-xã hội có nhiều điểm sáng, kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức cao, phát triển kinh tế đi liền với bảo vệ môi trường, ết cấu hạ tầng được hoàn thiện theo hướng hiện đại và đồng bộ, an sinh xã hội luôn được coi trọng.

Nghị định về cơ chế ưu đãi đặc thù dự báo sẽ giúp Đà Nẵng phát triển theo hướng phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế, tìm ra các động lực mới để xây dựng thành phố trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước.

Từ những ưu đãi mà Nghị định sẽ ban hành và áp dụng vào năm 2017, thành phố sẽ tiếp tục tập trung rà soát, xây dựng và thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch phát triển thành phố gắn với tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung nâng cao quy mô, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đà Nẵng cũng đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, tập trung vào các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, phát triển mạnh du lịch, nhất là du lịch cao cấp, hình thành trung tâm du lịch ven biển lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin; trở thành một trung tâm kinh tế biển, trung tâm nghề cá, gắn với bảo vệ an ninh và chủ quyền biển, đảo ở khu vực.

Hiện nay, Đà Nẵng đang từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông đường thủy nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch, kinh tế biển. Hệ thống cảng biển Đà Nẵng hiện gồm Tiên Sa, Liên Chiểu và Nam Thọ (chỉ dùng cho tàu dầu).

Hiện có khoảng 50 công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ vận tải biển tại Đà Nẵng, trong đó có 22 hãng tàu container nước ngoài.

Lượng hàng qua cảng Đà Nẵng năm 2015 khoảng 6,4 triệu tấn, đạt mức doanh thu 525 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Trong vòng 5 năm tới, cảng Đà Nẵng tập trung phát triển các loại hình dịch vụ trong cảng theo hướng đón tàu container, tàu khách, tàu chuyên dụng có trọng tải lớn.

Bên cạnh đó là dịch vụ logistics (dịch vụ ngoài cảng) gồm hệ thống kho bãi và dịch vụ phụ trợ vận tải, đóng gói, container, dịch vụ phân phối hàng đến kho thu hàng, kho thuê hải quan…

Cùng với tiềm năng về phát triển kinh tế, hướng đi của Đà Nẵng thời gian tới là đa dạng hóa loại hình dịch vụ trên cơ sở phát triển cảng Đà Nẵng theo hướng container hóa, dịch vụ tàu khách, tàu hàng khô có tải trọng lớn, đồng thời đầu tư mở rộng các loại hình du lịch biển nhằm khai thác tốt tiềm năng hệ thống sông, biển của thành phố.

Hạ tầng kỹ thuật phục vụ kinh tế biển được đầu tư xây dựng, khai thác hiệu quả hơn, trong đó, hạ tầng cảng biển được đầu tư phát triển, hình thành cảng container có quy mô lớn, hiện đại của khu vực.

Sản lượng hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng ước tăng 14,5%/năm.

Thành phố cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần nâng cao năng lực khai thác hải sản xa bờ, gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo.

Nhiệm kỳ 2015- 2020, Đà Nẵng xác định tăng cường nguồn lực đầu tư để phát triển thành một trung tâm kinh tế biển, trong đó tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống cảng biển, phát triển Cảng Đà Nẵng trở thành cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I); phấn đấu sản lượng hàng hóa qua khu vực Cảng Đà Nẵng năm 2020 đạt 10 triệu tấn; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân nâng cao năng lực khai thác xa bờ; đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện cả về nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại...

Bốc xếp hàng container tại Cảng Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm-TTXVN

Ở lĩnh vực thủy sản, với mục tiêu giảm dần các tàu có công suất nhỏ khai thác gần bờ; nâng số lượng tàu công suất lớn phục vụ khai thác ở vùng biển xa bờ, nhiều năm qua, Chi cục Thủy sản Đà Nẵng đã phối hợp cùng các ngành, địa phương tham mưu và triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiện đại háo đội tàu cá.

Trong thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Chính phủ và thành phố hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu có công suất lớn từ 400cv trở lên để khai thác hải sản và thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển, kết hợp với bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo.

Thành phố cũng chú trọng tổ chức lại sản xuất trên biển theo hướng liên kết giữa ngư dân, tổ khai thác hải sản với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hậu cần, thu mua, tiêu thụ sản phẩm trên biển; xây dựng đội tàu hậu cần chuyên phục vụ cho các tàu khai thác ở vùng biển xa; xây dựng được mô hình tàu vỏ thép khai thác hải sản được đầu tư hiện đại; từng bước chuyển đổi, cơ cấu lại các nghề khai thác thủy sản hợp lý, giảm dần sản lượng khai thác thủy sản gần bờ; khuyến khích hoạt động đánh bắt xa bờ theo hình thức tổ đội sản xuất, khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt; quản lý khai thác theo tuyến, khuyến khiach phát triển mô hình đồng quản lý nguồn lợi ven bờ nhằm nâng cao khả năng tự phục hồi và tính bền vững của nguồn lợi thủy sản.

Nhằm giảm tác động tiêu cực của nhóm tàu thuyền công suất nhỏ khai thác ven bờ, khuyến khích, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, vươn khơi khai thác, góp phần cùng cơ quan chấp pháp bảo vệ chủ quyền quốc gia, cuối tháng 7/2016, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã ký Quyết định ban hành Đề án giảm số lượng phương tiện nghề cá loại công suất nhỏ hơn 20cv (tàu cá, thuyền thúng gắn máy) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, đến năm 2020 không còn thuyền thúng gắn máy, ổn định số lượng khoảng 150 tàu cá vỏ gỗ có công suất dưới 20cv với sức chở tối đa từ 0,5 tấn trở lên khai thác hải sản vùng biển ven bờ.

Đề án đưa ra chính sách hỗ trợ ngư dân thông qua việc thu mua phương tiện và hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề cho lao động hoạt động trên các phương tiện sau khi đã được thu mua để cải hoán.

Đề án “Giảm số lượng tàu cá công suất nhỏ hơn 20cv và thuyền thúng gắn máy công suất nhỏ hơn 20cv trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2016-2020” có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển khai thác hải sản theo hướng bền vững cũng như quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa khai thác hải sản ven bờ và các hoạt động kinh tế khác tại khu vực ven biển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục