Đà Nẵng triển khai mở các lối xuống biển cho người dân

12:22' - 12/07/2018
BNEWS UBND thành phố Đà Nẵng đang chỉ đạo ngành chức năng triển khai mở các lối xuống biển cho người dân.
Bãi biển Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Theo đó, Đà Nẵng triển khai mở lối xuống biển đoạn cuối đường Hồ Xuân Hương, quận Ngũ Hành Sơn. Lối xuống biển có lộ giới khoảng 15m, nền đường lát gạch Cubic, bố trí vệt cây xanh hai bên đường, ranh giới với Khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Sunrise không xây dựng tường rào ngăn cách để tầm nhìn được thông thoáng. Bên cạnh đó, lối xuống biển khu vực giữa Dự án khách sạn Furama và Quần thể đô thị du lịch Ariyana được quy hoạch với tổng diện tích gần 13.000m2 kết hợp với vệt cảnh quan cây xanh. 
Đối với các lối xuống biển đã có quy hoạch (bề rộng 7m) phía Nam dự án Khu du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores; lối xuống biển (bề rộng 4m) phía Nam dự án Future Propert Invest, UBND thành phố đã giao ngành chức năng triển khai thực hiện. 
Đối với các lối xuống biển và bãi tắm trên địa bàn quận Thanh Khê, Liên Chiểu: Hiện nay thành phố đã phê duyệt quy hoạch 6 bãi tắm công cộng, trong đó đã hoạt động 4 bãi gồm: Bãi tắm Thanh Khê, Liên Chiểu, Nam Xuân Thiều và Hợp tác xã Hòa Hiệp 5. Ngoài ra, bãi Phú Lộc đã được duyệt quy hoạch, bãi tắm Bắc Xuân Thiều và mở rộng bãi tắm Liên Chiểu đang nghiên cứu quy hoạch. 
Ngoài ra, UBND thành phố thống nhất chọn 4 vị trí xây dựng quảng trường kết hợp đậu xe, công viên biển tại cuối các trục đường chính gồm: Tuyến đường Hà Khê (thuộc quận Thanh Khê), tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc (thuộc quận Liên Chiểu), tuyến đường Nguyễn An Ninh (thuộc quận Liên Chiểu), tuyến đường Nguyễn Tất Thành (thuộc quận Liên Chiểu). 
Đối với bãi tắm, đường xuống biển và lối đi công cộng dọc bờ biển trước Khu Du lịch sinh thái Nam Ô, Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch xây dựng đã đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch dự án phù hợp với thực tế hơn. Về ranh giới dự án tiếp giáp với mặt nước biển: Đối với khu vực phía Bắc Ghềnh Nam Ô từ mực nước biển lui 50m thiết lập đường ranh giới bảo vệ bờ biển và điều chỉnh ranh giới dự án lùi vào sau đường ranh giới bảo vệ bờ biển. Vệt đất 20m tiếp giáp với ranh giới bảo vệ bờ biển được tổ chức thành dãy cây xanh, cảnh quan ven biển. Khu vực phía Nam Ghềnh Nam Ô lùi ranh giới vào sát tuyến kè hiện trạng, giữ lại đường bê tông hiện trạng B = 8m để làm đường đi bộ và xe đạp ven biển. 
Thành phố mở rộng đường dân sinh giáp ranh với dự án từ 4m thành 5,5m. Đường vào của dự án được xây dựng cách đường dân sinh bằng dãy cây xanh cách ly, rộng 2m... 
Đối với việc trùng tu di tích, thành phố chủ trương giữ nguyên hiện trạng, trùng tu, tôn tạo các công trình di tích lịch sử tại khu vực gồm: Lăng Ngư ông, Miếu Âm Hồn, Mộ Tiền Hiền và Miếu Bà Liễu Hạnh. 
Các lối xuống biển ở khu vực này, thành phố thống nhất tổ chức 3 lối xuống biển và làm công viên - quảng trường phục vụ công cộng tại vị trí đầu đường Nguyễn Tất Thành nối dài, vị trí Lăng Ngư Ông và Miếu Âm Hồn, vị Miếu Bà Liễu Hạnh và Ghềnh Nam Ô. 
Đối với công trình công cộng, vệt đất dọc đường Nguyễn Tất Thành nối dài được tổ chức thành khu làng nghề truyền thống, gồm Khu trưng bày Làng nước mắm Nam Ô, Khu trưng bày Làng pháo Nam Ô, Chợ hải sản, Khu ẩm thực địa phương. Thành phố cũng điều chỉnh tách Ghềnh Nam Ô và phần đất xung quanh Ghềnh ra khỏi dự án, làm công viên sinh thái, phục vụ công cộng./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục