Đa số người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi

14:31' - 12/08/2016
BNEWS Hơn một nửa số người tiêu dùng tham gia khảo sát trả lời đã từng bị xâm phạm đến quyền lợi với tư cách là người tiêu dùng trong khoảng thời gian từ năm 2011-2015.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh(Bộ Công Thương). Ảnh:Uyên Hương/BNEWS

Với sự hỗ trợ của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), sáng 12/8, tại Hà Nội, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện Nghiên cứu thương mại tổ chức Hội thảo “Công bố kết quả khảo sát nhận thức người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam".
Hội thảo nhằm có cái nhìn tổng quát đối với kết quả triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian qua. Đồng thời, tạo cơ sở cho việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, mục đích của việc khảo sát nhằm đánh giá công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 qua đó đề xuất, xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong thời gian tới.
Cũng theo ông Trịnh Anh Tuấn, đối tượng được khảo sát tập trung chủ yếu vào người tiêu dùng nói chung và được chia thành các nhóm như công chức, viên chức, chủ công ty, doanh nghiệp, nhân viên, học sinh, sinh viên, nội trợ, cá nhân tự do và đối tượng khác.

Với hơn 3.000 bản được đưa ra khảo sát tại 12 tỉnh, thành trên cả nước trong tháng 3 và tháng 4 năm nay, có hơn 70% người tiêu dùng cho rằng đã từng được nghe hoặc biết đến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều này thể hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Chia sẻ thêm về kết quả khảo sát, ông Phan Thế Thắng, Phó trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý Cạnh tranh) cho hay: Mặc dù có 58,8% số người tham gia khảo sát biết đến cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người chọn đúng bởi bảng câu hỏi đưa ra 4 lựa chọn.

Bên cạnh đó, nhiều người dù đã biết đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng khi lựa chọn tên cơ quan chuyên trách thì lại sai. Chính vì vậy, dữ liệu để lựa chọn chính xác tên cơ quan chuyên trách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được xem xét lại.
Ngoài ra, hơn một nửa số người tiêu dùng tham gia khảo sát trả lời đã từng bị xâm phạm đến quyền lợi với tư cách là người tiêu dùng trong khoảng thời gian từ năm 2011-2015.

Đáng lưu ý là nhóm hàng hóa, dịch vụ được nhiều người tiêu dùng phản ánh đã từng bị xâm phạm chủ yếu là thực phẩm, nước giải khát, đồ điện tử gia dụng, hàng hóa tiêu dùng, điện thoại, viễn thông, thời trang, trang sức, du lịch, nhà hàng, máy tính, kết nối internet, y tế.... Điều này đánh giá đúng về thực trạng thị trường tiêu dùng cũng như các khiếu nại chủ yếu của người tiêu dùng hiện nay.
Ông Phan Thế Thắng nhấn mạnh thêm rằng, hiện nay, vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm kém, chế độ bảo hành đồ điện tử, gia dụng, điện thoại, dịch vụ viễn thông đang gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đề xuất cơ quan chức năng cần tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến tận địa phương, tới người tiêu dùng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua nhiều hình thức.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân biết đúng quyền lợi và nghĩa vụ của họ. Hơn nữa, phải tạo kênh trao đổi thông tin nhanh chóng, thuận tiện giúp mọi người dễ dàng tiếp cận thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng (1800-6338) nên được mở rộng hơn nữa để tiếp nhận và đáp ứng nhu cầu tư vấn thường xuyên cũng như lâu dài của người dân.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cần sớm có văn bản chỉ đạo các Sở Công Thương thường xuyên tổ chức Hội thảo để phổ biến kiến thức cho người tiêu dùng hiểu đúng quyền an toàn cũng như thực trạng và giải pháp sắp tới.

Ngoài ra, Bộ nên phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng các văn bản pháp luật và xử lý nghiêm những hành vi, những doanh nghiệp vi phạm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục