Đặc sản chuối mật mốc Tân Long được mùa vụ Tết

10:33' - 08/02/2018
BNEWS Người trồng đặc sản chuối mật mốc ở xã Tân Long, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang rất phấn khởi do chuối được mùa, được giá.
Nhộn nhịp chợ chuối phục vụ Tết lớn nhất ở Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 bận rộn, người đi trên Hành lang kinh tế Đông – Tây đoạn qua xã Tân Long, huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đều trầm trồ thích thú trước hàng dài xe tải, xe máy chở chuối mật mốc (chuối ngự) bày bán hai bên đường.

Hơn một tuần nữa mới đến Tết, nhưng không khí Tết đã hiển hiện rõ trên nét tươi vui của người bán vì được giá. Người mua cũng thêm vui bởi đã có được những nải chuối, buồng chuối đẹp để về thờ cúng gia tiên đúng với thuần phong mỹ tục của người Á Đông.

Cả đoạn đường dài hàng km từng dãy dài xe ô tô, xe máy, xe ba gác, xích lô... chất đầy chuối cùng với cảnh mặc cả giá của người bán với ngừơi mua làm huyên náo cả một đoạn đường dài.

Với giá cả hiện tại từ 50.000 - 400.000 đồng/buồng tùy thuộc chuối to hay nhỏ, xấu hay đẹp. Nhiều người trồng chuối cho biết, giá chuối năm nay nhìn chung cao hơn năm trước, lượng thu mua cũng tăng nhiều hơn.

Theo quan sát của phóng viên, mỗi khi có xe chuối nào của người trồng chuối chở đến thì lập tức có vài ba thương lái tìm đến, mặc cả giá để thu mua tập trung về bán cho các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

Qua tìm hiểu thị hiếu của nhiều lái buôn ở địa phương khác đến thu mua chuối cho thấy, chuối mật mốc Tân Long luôn được ưu tiên thu mua bởi có quả to, đều, đẹp rất được người dân ưa thích lựa chọn mua về thờ cúng tổ tiên.

Mặt khác chuối mật mốc Tân Long có nải lớn nên bày mâm ngũ quả để thờ cúng tổ tiên rất đẹp. Đặc biệt, khi thờ cúng tổ tiên xong, thì chuối mật mốc Tân Long là loại trái cây rất có lợi cho sứ ckhỏe bởi chuối có nhiều chất bổ dưỡng, khoáng chất và vitamin.

Theo nhiều người lớn tuổi ở xã Tân Long, chuối mật mốc bắt đầu được người dân trồng trên địa bàn xã vào khoảng những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, thường để người dân trong xã thờ cúng và sử dụng trong sinh hoạt.

Đến thập niên 90 cùng thế kỷ XX, do nhu cầu sử dụng chuối của người dân tỉnh Quảng Trị và một số tỉnh lân cận như: Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh,… tăng cao, nên người trồng chuối ở Tân Long đã dần mở rộng, chuyển đổi những diện tích trồng hoa màu không hiệu quả sang trồng chuối.

Đặc biệt, trong 5 - 7 năm trở lại đây, khi thị trường chuối Tân Long được mở rộng từ Hà Nội vào đến Cà Mau và xuất khẩu sang một số nước như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan… thì chuối Tân Long đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, có thế sánh ngang với bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), cam Xã Đoài (Nghệ An), Thanh Long… trên thị trường.

Bởi tại các nhà hàng, khách sạn ở Quảng Trị nói riêng và các tỉnh Bắc Trung bộ nói chung, trong khẩu phần ăn của khách lưu trú đều có món chuối Tân Long để tráng miệng sau bữa ăn. Ngoài ra, nhiều món ăn mê lòng người sành ẩm thực cũng được chế biến từ chuối mật mốc Tân Long như: bánh chuối chiên, mứt chuối, chè chuối...

Hiện nay mỗi ngày bình quân trên địa bàn xã Tân Long có khoảng 8 - 9 chiếc xe tải thu mua trên 100 tấn chuối, để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Do trồng chuối cho thu nhập cao, ổn định, ít tốn công sức nên hiện nay người dân xã Tân Long đã và đang tận dụng tất cả các diện tích bỏ hoang trên địa bàn xã để trồng chuối. Điển hình như hộ ông Mai Chính Hữu, ở thôn Long Hồng trồng 16 ha chuối; hộ anh Lê Phong, ở thôn Long Quang trồng 14 ha; hộ ông Vũ Tấn Lực, ở thôn Long Dân trồng trên 15 ha… đều có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Theo tính toán của nhiều người trồng chuối trên địa bàn xã Tân Long, trồng chuối ở Tân Long chỉ tốn chi phí giống cây trồng, công trồng và chăm sóc ban đầu hết khoảng 20% doanh số thu được; và không phải tốn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như những cây trồng khác.

Nhận thấy chuối là cây trồng mang lại thu nhập cao và ổn định, Ủy ban Nhân dân xã Tân Long luôn tạo điều kiện cho bà con mở rộng, chuyển đổi sang trồng chuối, tổ chức mở các lớp chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho bà con để áp dụng, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Tân Long, địa phương có gần 800 hộ trồng gần 700 ha trồng chuối. Ngoài ra, người dân trong xã Tân Long còn phối hợp với các hộ dân sống trên địa bàn ở những xã liền kề và các xã của nước bạn Lào tiếp giáp trồng trên 1.100 ha chuối.

Hiện nay chuối mật mốc là một trong những cây trồng chủ lực ở tỉnh Quảng Trị, với khoảng 4.400 ha; trong đó trồng chủ yếu ở huyện miền núi Hướng Hóa khoảng 4.100 ha, cho sản lượng trên 55.000 tấn/năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục