Đại hội các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 - Cơ hội để tăng cường vị thế

09:09' - 17/02/2018
BNEWS Đại hội các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) là một sự kiện quốc tế cấp cao có quy mô lớn, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Đại hội dự kiến diễn ra trong 7 ngày, trong đó, các hoạt động chính thức được tổ chức từ ngày 19 - 22/9/2018, tại Hà Nội.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, minh chứng cho sự trưởng thành, phát triển của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Nhân dịp đầu Xuân mới, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc đã trả lời phỏng vấn của TTXVN những vấn đề liên quan đến công tác tổ chức Đại hội ASOSAI 14 cũng như cơ hội và thách thức của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ mới.

* Phóng viên: Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Đại hội ASOSAI 14 là sự kiện chính trị - ngoại giao có ý nghĩa quan trọng, minh chứng cho sự trưởng thành và phát triển của Kiểm toán Nhà nước, khẳng định vị trí, vai trò của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Tổng Kiểm toán Nhà nước có thể cho biết công tác chuẩn bị cho Đại hội tính đến thời điểm này như thế nào?

*Ông Hồ Đức Phớc: Nhận thức được tầm quan trọng của Đại hội ASOSAI 14, ngay từ khi chính thức được lựa chọn là SAI (tổ chức thành viên) chủ nhà đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14 vào năm 2015, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tập trung triển khai công tác chuẩn bị Đại hội đồng bộ trên nhiều lĩnh vực.

Kiểm toán Nhà nước đã tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI lần thứ 14 tại Nghị quyết 345/NQ-UBTVQH14; thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức Đại hội ASOSAI 14 do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng Ban, Tổng Kiểm toán Nhà nước làm Phó Trưởng ban Thường trực và thành viên là đại diện 12 bộ, ngành và địa phương.

Trên cơ sở đề xuất của Kiểm toán Nhà nước, Ban Chỉ đạo Đại hội đã thành lập Ban Tổ chức Đại hội do Tổng Kiểm toán Nhà nước làm Trưởng ban. Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đã thành lập 5 Tiểu ban và một Tổ Thư ký để tổ chức triển khai công tác chuẩn bị nội dung, hậu cần, lễ tân, tuyên truyền và an ninh, y tế...

Nhằm đảm bảo cho việc chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Kế hoạch tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14, trong đó xác định rõ các nội dung công việc, hoạt động cần hoàn thành theo thứ tự thời gian, phục vụ việc tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 của Ban Tổ chức.

Đây là công cụ giúp Ban Tổ chức Đại hội ASOSAI 14 theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các công việc chính liên quan đến từng tiểu ban và các đơn vị.

Trên cơ sở Kế hoạch tổng thể, đến nay, công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 đang khẩn trương được hoàn thiện để sẵn sàng cho Lễ tổng duyệt dự kiến tổ chức vào tháng 4/2018.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam với vai trò là Chủ nhà Đại hội ASOSAI 14 đã đề ra sáng kiến xây dựng "Tuyên bố Hà Nội" và nhận được sự ủng hộ của đông đảo các tổ chức thành viên.

Tuyên bố Hà Nội được kỳ vọng sẽ là văn kiện chính thức quan trọng của Đại hội nhằm tổng kết những kết quả thảo luận của Đại hội và phản ánh những cam kết, hành động của ASOSAI đối với cộng đồng khu vực và thế giới trong lĩnh vực kiểm toán công.

Tuyên bố Hà Nội khẳng định vai trò, đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu xoay quanh chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.

Có thể nói, Đại hội ASOSAI 14 với điểm nhấn là Tuyên bố Hà Nội sẽ thể hiện tầm nhìn dài hạn của sáng kiến xây dựng Tuyên bố Hà Nội với cương vị là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021, đóng vai trò dẫn dắt ASOSAI trong việc xác định phương hướng, giải pháp và hành động về hoàn thiện tổ chức, tăng cường hiệu quả hoạt động của ASOSAI nhằm thúc đẩy sự phát triển, mang lại giá trị và lợi ích cho tất cả thành viên của ASOSAI tiến tới hoàn thành 3 Mục tiêu chiến lược phát triển của ASOSAI vào năm 2021.

*Phóng viên: Thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch chính thức của ASOSAI nhiệm kỳ 2018 -2021. Vai trò này sẽ tạo ra những thời cơ, thuận lợi, cũng như khó khăn nào cho Kiểm toán Nhà nước Việt Nam?

*Ông Hồ Đức Phớc: Việc đăng cai Đại hội ASOSAI lần thứ 14 tại Việt Nam vào tháng 9/2018 tới đây đồng nghĩa với việc Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch chính thức của ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021.

Do đó, việc trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 sẽ đem lại cho Kiểm toán Nhà nước nhiều cơ hội và triển vọng, song đây cũng là thách thức lớn đối với một cơ quan còn trẻ như Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.

Trở thành Chủ tịch của ASOSAI sẽ là cơ hội để Kiểm toán Nhà nước thể hiện vai trò "đầu tàu" trong việc định hướng phát triển tổ chức này.

Với vai trò là Chủ tịch, Kiểm toán Nhà nước sẽ có cơ hội để hiện thực hóa những nỗ lực của mình trong thời gian qua đối với những hoạt động liên quan đến tăng cường năng lực, mở rộng mối quan hệ với các tổ chức khu vực khác của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI), Kế hoạch chiến lược… đồng thời hoạch định sách lược và giải pháp tối ưu để giải quyết những vấn đề trong khu vực, dẫn dắt ASOSAI trở thành một tổ chức năng động, uy tín, ngày càng có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế châu Á nói chung và các nước thành viên nói riêng.

Đảm nhiệm vai trò mới cũng là cơ hội để Kiểm toán Nhà nước thể hiện cam kết của mình như một thành viên tích cực đối với cộng đồng khu vực thông qua cụ thể hóa những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển chung của ASOSAI.

Việc đề xuất và đảm nhận vai trò chính để hiện thực hóa những sáng kiến nhằm cải tổ, đổi mới tổ chức nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các tổ chức thành viên, đồng thời tham gia ngày càng sâu, đóng góp ngày càng tích cực, hiệu quả trong các Nhóm công tác và diễn đàn chuyên môn của ASOSAI.

Có thể nói, đây là dịp để Kiểm toán Nhà nước thể hiện vai trò của một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, giữ vai trò Chủ tịch sẽ là cơ hội để Kiểm toán Nhà nước tự hoàn thiện mình thông qua việc tận dụng các nguồn lực sẵn có cũng như khai thác nguồn lực tiềm tàng của ASOSAI để tiếp cận tri thức, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tiên tiến để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện về mọi mặt.

Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Kiểm toán Nhà nước tự cọ sát, tự trau dồi, học hỏi để rèn luyện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Kiểm toán Nhà nước trong môi trường làm việc quốc tế chuyên nghiệp.

Giữ vai trò Chủ tịch cũng phải đối mặt với những thách thức là không nhỏ đối với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam. Thử thách rõ ràng nhất đối với Kiểm toán Nhà nước là kinh nghiệm "gói gọn" trong 24 năm hình thành và phát triển so với các tổ chức thành viên phát triển khác có lịch sử hàng trăm năm, Kiểm toán Nhà nước còn khá khiêm tốn.

Có thể nói, về cả mặt tổ chức và nghề nghiệp, Kiểm toán Nhà nước còn phải học hỏi rất nhiều. Đại hội ASOSAI 14 được coi là sự kiện chính trị - ngoại giao lớn trong bối cảnh chúng ta còn thiếu thốn về vật chất và nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, quá trình Kiểm toán Nhà nước tập trung toàn bộ nguồn lực cho công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội cho thấy sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao độ của tập thể lãnh đạo và công chức trong toàn ngành. Hơn nữa, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chúng ta sẽ tổ chức một Đại hội thiết thực và có dấu ấn riêng.

ASOSAI là một diễn đàn bao gồm 46 tổ chức thành viên và có sự đa dạng cả về địa vị pháp lý, văn hóa, chính trị, cũng như trình độ phát triển điều này dẫn đến cách nhìn nhận về lĩnh vực kiểm toán công và các mối quan tâm của các tổ chức thành viên cũng khác nhau.

Là Chủ tịch ASOSAI, đối với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, làm sao hài hòa quan điểm của tổ chức thành viên tại các quốc gia phát triển và tổ chức thành viên tại các nước đang phát triển để có được sự đồng thuận, đi đến đích chung thực sự là một thử thách không nhỏ.

Với những thử thách không hề đơn giản nêu trên, Kiểm toán Nhà nước cần "hóa giải" những thách thức này bằng cách "biến" những khó khăn thành quyết tâm trong việc thể hiện vai trò dẫn dắt, đảm bảo nguyên tắc tham vấn và đồng thuận, xây dựng lập trường chung, trên cơ sở thống nhất, đoàn kết, thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của tất cả các nước thành viên trên tinh thần không bỏ lại bất kỳ ai ở phía sau, từ đó thúc đẩy đoàn kết trong nội bộ ASOSAI.

*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục