Đắk Lắk: Rà soát toàn bộ diện tích rừng tự nhiên

17:11' - 20/03/2018
BNEWS UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các chủ rừng kiểm tra lại toàn bộ diện tích rừng tự nhiên bị phá, bị lấn chiếm trái phép, xác định rõ diện tích, tiểu khu, lô, khoảnh, trạng thái rừng trước khi bị phá...

UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các chủ rừng kiểm tra lại toàn bộ diện tích rừng tự nhiên bị phá, bị lấn chiếm trái phép (theo diện tích kiểm kê rừng từ năm 2014 trở lại đây), xác định rõ diện tích, tiểu khu, lô, khoảnh, trạng thái rừng trước khi bị phá, trạng thái rừng hiện tại, xác định nguyên nhân, thiết lập biên bản đối với diện tích chưa được thiết lập văn bản.

Tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo, trường hợp các chủ rừng không báo cáo đúng mức độ xâm hại tài nguyên rừng, đất rừng đang quản lý, có hiện tượng làm ngơ, bao che, trốn trách nhiệm thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật; các trường hợp thiếu trách nhiệm để rừng tự nhiên bị phá, bị lấn chiếm trái phép xảy ra nghiêm trọng sẽ đề nghị cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định.

Hiện nay, tại tỉnh Đắk Lắk, một số Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp, Công ty TNHH 2 thành viên, doanh nghiệp được tỉnh giao rừng, cho thuê rừng, đất rừng để lập dự án còn để xảy ra tình trạng phá rừng, đất rừng bị lấn chiếm, một số diện tích rừng tự nhiên bị phá với diện tích lớn mà không được phát hiện kịp thời để ngăn chặn hoặc có phát hiện nhưng không thiết lập biên bản kiểm tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê chưa đầy đủ qua kiểm tra, từ năm 2015 đến nay, các địa phương, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp, Công ty TNHH 2 thành viên, doanh nghiệp… trên địa bàn tỉnh đã có tổng diện tích rừng tự nhiên bị phá, bị lấn chiếm gần 10.359 ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên bị phá, bị lấn chiếm nhiều nhất là các huyện Ea Súp, Ea H’leo.

Nguyên nhân là do các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm sở tại, kiểm lâm địa bàn, chính quyền địa phương còn buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng; chủ rừng không thường xuyên kiểm tra diện tích rừng trên địa bàn được giao, được cho thuê; có phát hiện sai phạm nhưng không báo cáo, không lập hồ sơ vi phạm, không tổ chức kiểm tra, lập kế hoạch, phương án phối hợp với các đơn vị chức năng để xử lý kịp thời.

Điều đáng nói là chính quyền cấp xã (nơi có rừng tự nhiên) có chức năng quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp tuy nhiên trách nhiệm chỉ đạo phối hợp, giám sát hoạt động lâm nghiệp trên địa bàn chưa tốt, nhất là trong việc kiểm tra, ngăn chặn, truy quét các trọng điểm phá rừng, mua bán đất rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép cũng như xử lý các vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng.

Cán bộ kiểm lâm địa bàn chưa làm tốt công tác tham mưu cho Chủ tịch UBND xã trong hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục