Đảm bảo nguồn điện cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

16:01' - 07/03/2017
BNEWS Đơn Dương là một trong những địa phương đang được đầu tư rất mạnh cho nền sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao. Trong đó, việc đáp ứng được nhu cầu về nguồn điện là cực kỳ quan trọng.

Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) là huyện nông thôn mới đầu tiên của của vực Tây nguyên, là vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh rau lớn nhất của cả nước.

Các giải pháp canh tác công nghệ cao hiện nay được các doanh nghiệp và người dân áp dụng tại huyện Đơn Dương, có nhiều mô hình và giải pháp được tiên tiến trên thế giới. Một người có vườn rau tại Đơn Dương nhưng đang ở Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội hoặc thậm chí là ở nước ngoài vẫn có thể tưới nước, bón phân cho vườn rau. Tất cả đều áp dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số hóa hiện đại. Yếu tố đầu tiên để áp dụng những giải pháp này là nguồn điện luôn luôn được cung cấp đầy đủ và ổn định.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, thôn Đồng Thạnh, xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương), chủ trang trại rau thủy canh Kiêm Hùng, vừa đầu tư hàng chục tỷ đồng để làm nhà lồng sản xuất rau sạch thủy canh theo công nghệ châu Âu. Ông Hùng cũng đã được cung cấp nguồn điện lưới ổn định sau khi đầu tư, ông cho biết: “Phương pháp thủy canh yêu cầu nước phải được bơm luân chuyển liên tục. Nếu không có điện lưới, một sào đất (1.000m2) canh tác thủy canh phải cần 2 máy bơm tổng công suất 15 sức ngựa hoạt động liên tục.
“Điều này sẽ rất khó khăn vì suất đầu tư quá lớn, điện năng tiêu thụ rất tốn kém và hiệu quả sản xuất sẽ không còn vì chi phí dành cho phát điện tiêu tốn hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Chúng tôi mạnh dạn đầu tư để sản xuất theo công nghệ hiện đại cũng là vì được cung ứng nguồn điện lưới ổn định”.

Với hệ thống điện lưới, chi phí cho dành cho điện trong sản xuất tại trang trại Kiêm Hùng là 40 triệu đồng/tháng; nếu sử dụng máy phát điện thì chi phí lến tới hơn 100 triệu đồng”, ông Hùng chia sẻ.

Khác với những tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp thông thường khác, các địa phương tại tỉnh Lâm Đồng như Đơn Dương có lượng điện năng tiêu thụ lớn nhất là dùng để sản xuất nông nghiệp. Điện năng được dùng cho sinh hoạt chỉ chiếm phần nhỏ. Địa phương có địa hình phức tạp dẫn đến việc truyền tài, đầu tư hạ tầng để cung ứng nguồn điện khó khăn hơn, suất đầu tư thường lớn hơn nhiều nơi khác.

Tại thôn giãn dân xã Lạc Xuân, anh Cao Quốc Phong, chuyên trồng hoa đồng tiền trong nhà lồng cho biết, từ khi chuyển dân đến đây, hệ thống điện cũng được đầu tư đồng bộ nên người dân có thể áp dụng sản xuất rau, hoa theo công nghệ tiên tiến được ngay.

Khác với các tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp truyền thống khác, việc tưới tiêu thường tập trung giao khoán cho hợp tác xã, hoặc các hộ nông dân đầu tư kéo điện nhỏ, tưới luân phiên; tại huyện Đơn Dương, trong 2 – 3 năm gần đây, vì việc mở rộng pháp vi và quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên lượng điện năng tiêu thụ tăng rất mạnh.

Trong năm 2016, toàn huyện sử dụng hơn 113,3 triệu kwh. Con số này cao hơn 3 lần so với huyện Di Linh, một huyện chuyên canh cây công nghiệp lớn của tỉnh Lâm Đồng. Toàn huyện Đơn Dương có 47 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn, đã tiêu thụ hơn 1/2 tổng sản lượng điện thương phẩm trong năm trên toàn huyện.

Huyện có 22.000 hộ dân nhưng có đến 32.000 điện kế đã được lắp đặt; có 130km đường điện trung thế và 326km điện hạ thế, hơn 300 trạm biến áp. Hiện tại, sau nhiều năm đầu tư xây dựng, hệ thống lưới điện này đã đáp ứng đủ nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của huyện.

Theo đặc thù sản xuất của địa phương nên cả chính quyền huyện và ngành điện huyện Đơn Dương đều đã xác định việc cung cấp điện lưới ổn định cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ hàng đầu. Với những khu vực được quy hoạch sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao quy mô lớn, ngành điện luôn ưu tiên cung ứng điện ổn định nhất để phục vụ sản xuất.

Ông Lê Đức Vinh, Phó Giám đốc Điện Lực Đơn Dương cho biết, với hai mùa mưa, nắng rất rõ rệt trong năm, và mùa khô lệch so với các địa phương khác; cao điểm tiêu thụ điện hằng ngày rơi vào khoảng từ 9 giờ đến 11 giờ nên nhu cầu phụ tải tăng cao. Ngành điện cũng đã có kế hoạch đáp ứng được nhu cầu này và mỗi năm đều có đầu tư hàng chục tỷ đồng để phục vụ nhu cầu tăng trưởng từ thực tế sản xuất.

Vấn đề tồn tại hiện này là ở nhiều địa phương trong huyện vẫn còn tình trạng vì ít đất sản xuất mà người dân phải sử dụng điện sinh hoạt vào trong sản xuất nông nghiệp; hoặc nhiều vùng sản xuất của từng hộ dân chỉ sử dụng nguồn điện một pha, dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa được phát huy hết. Dự kiến, huyện Đơn Dương sẽ tiếp tục phát triển mạnh nền nông nghiệp công nghệ cao trong những năm tới đây, nhu cầu về nguồn điện năng đủ mạnh và ổn định cũng sẽ tăng rất mạnh, nhất là nguồn điện 3 pha.

Cũng theo ông Lê Đức Vinh, ngành điện Lâm Đồng và huyện Đơn Dương đã đủ khả năng lắp đặt, cung ứng điện để khắc phục những vấn đề trên cho người dân trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục