Đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VI

18:34' - 07/12/2017
BNEWS Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VI với thời gian thực hiện 16 tháng, từ tháng 8/2016 đến tháng 12/2017.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Thúy Hiền/Bnews/TTXVN
Chiều 7/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản ( thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản – Keidanren) tổ chức cuộc họp cấp cao Ủy ban Hỗn hợp đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VI để tổng kết tình hình thực hiện.

Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VI với thời gian thực hiện 16 tháng, từ tháng 8/2016 đến tháng 12/2017.

Sau 16 tháng triển khai, về cơ bản, hai bên đã thực hiện tốt Kế hoạch hành động giai đoạn VI. Đến nay, 28 cuộc đối thoại chính sách giữa các cơ quan có liên quan của Việt Nam với phía Nhật Bản đã được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận về nội dung kế hoạch hành động. Nhiều khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng của phía Nhật Bản đã được các Bộ, ngành liên quan tiếp thu hoặc ghi nhận, tiếp tục nghiên cứu để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cũng như việc tổ chức thực thi.

Trải qua hơn 14 năm thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, có thể nói rằng về cơ bản, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã đạt được các mục tiêu đề ra.

Phát biểu tại Cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành phía Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đã góp phần quan trọng vào thành công của cả 6 giai đoạn trong suốt 14 năm qua. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng môi trường điều kiện kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư Việt Nam nói chung và của Nhật Bản nói riêng cũng như mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản; đồng thời, cũng là kênh thông tin hữu hiệu để các cơ quan của Việt Nam hoàn thiện cơ chế, chính sách và thực thi chính sách pháp luật.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn cùng hợp tác với Nhật Bản để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, độc lập hơn và có thể kết nối với thế giới trên nền tảng mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á giữa 2 nước, đặc biệt với vai trò quan trọng của Nhật Bản trong Hiệp định đối tác tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương.

Ngài Kunio Umeda, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện một cách chắc chắn chính sách về phát triển công nghiệp chung và dài hạn, các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam như: tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số lạm phát và nhập siêu. “Tôi thấy rằng, Chính phủ Việt Nam cần có những hoạch định về mặt chính sách; đồng thời, thực hiện một cách hiệu quả các chính sách đã hoạch định. Chính phủ Nhật Bản sẽ hợp tác tích cực cùng Chính phủ Việt Nam trong việc thông tin về các chính sách còn hiệu lực trong các ngành sản xuất, ngành công nghiệp, đó là yếu tố vô cùng quan trọng với doanh nghiệp Nhật Bản để họ quyết định đầu tư. Đây cũng được coi là một trong những nội dung được xem xét nhằm phát triển hơn nữa nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới và những nội dung này sẽ được đưa vào nội dung sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VII và chúng tôi cũng sẽ nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam”, ngài Kunio Umeda nhấn mạnh.

Theo kết quả đánh giá của Ủy ban Hỗn hợp đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam- Nhật Bản , trong tổng số 32 hạng mục nêu tại kế hoạch hành động giai đoạn VI, đã có 26 hạng mục triển khai tốt hoặc đang được triển khai và chỉ có 6 hạng mục chưa triển khai. Trong số 26 hạng mục nêu trên, 19 hạng mục đã triển khai tốt và đúng tiến độ; 7 hạng mục đang triển khai nhưng chậm tiến độ.

Các hạng mục hoàn thành tốt gồm các vấn đề liên quan đến dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, dịch vụ logistics – vận tải, lao động. 7 hạng mục đang triển khai nhưng chậm tiến độ liên quan đến các nhóm vấn đề về lao động; những quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài trong Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật đất đai và pháp luật khác liên quan đến đầu tư, kinh doanh; ngành phân phối dược phẩm.

Còn 6 hạng mục chưa triển khai liên quan đến vấn đề tiền lương, những quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài trong Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật đất đai với pháp luật khác liên quan đến đầu tư, kinh doanh; ngành phân phối dược phẩm. Các hạng mục này sẽ tiếp tục được hai bên thảo luận trong thời gian tới.

Trên cơ sở kết quả đạt được trong thời gian qua, hai bên thống nhất về nguyên tắc sẽ tiếp tục hợp tác, triển khai giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản với phương pháp tiếp cận, cách thức triển khai mới phù hợp với thực tế. Bên cạnh các nhóm vấn đề về doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, giai đoạn VII cần đề cập tới những vấn đề vĩ mô gắn với những khuyến nghị chính sách lớn, khả thi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, đẩy mạnh hơn nữa đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam và củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục