Đánh giá nguyên nhân nuôi tôm thất bại tại Bạc Liêu và Sóc Trăng

16:31' - 21/07/2017
BNEWS Qua nghiên cứu các mô hình nuôi tôm quy mô nông hộ hiện có của 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, các nhà khoa học, kỹ sư chuyên ngành đã đưa ra nhận định về nguyên nhân nuôi tôm thất bại.
Môi trường biến động lớn do biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân nuôi tôm thất bại. Ảnh minh họa: Nguyên Lý-TTXVN

Ngày 21/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả dự án “Đánh giá nguyên nhân và tác động của nuôi tôm thất bại và thực hiện mô hình thí điểm nuôi tôm bền vững tại tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, Việt Nam”.

Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng và Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc (FAO), Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy Sản II.

Dự án “Đánh giá nguyên nhân và tác động của nuôi tôm thất bại và thực hiện mô hình thí điểm nuôi tôm bền vững tại tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, Việt Nam” gọi tắt là dự án FAO được triển khai từ năm 2016. Dự án thực hiện nhiều nghiên cứu, phân tích và đánh giá nguyên nhân nuôi tôm thất bại tại 2 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Qua nghiên cứu các mô hình nuôi tôm quy mô nông hộ hiện có của 2 tỉnh, các nhà khoa học, kỹ sư chuyên ngành đã đưa ra nhận định về nguyên nhân nuôi tôm thất bại. Đó là môi trường biến động lớn do biến đổi khí hậu; thiếu đầu tư cải tạo ao, thiếu đầu tư cho trang thiết bị; trình độ về khoa học, kỹ thuật nuôi của nông dân còn thấp.

Trên cơ sở đó, dự án đã xây dựng và thí điểm trong nông dân 2 mô hình tôm thẻ chân trắng bán thâm canh và mô hình tôm lúa.

Cụ thể, dự án hỗ trợ 20 hộ dân áp dụng thử nghiệm mô hình nuôi tôm bền vững theo hướng cải tiến kỹ thuật thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và đảm bảo nguồn thu, đời sống cho nông dân.

Tổng kinh phí hỗ trợ từ dự án cho nông dân là hơn 1,4 tỷ đồng thông qua các hoạt động như đầu tư 100% tôm giống, 50% thuốc, thức ăn thủy sản và tập huấn, chuyển giao khoa học, tiến bộ kỹ thuật tận hộ cho nông dân.

Kết quả đạt được của 2 mô hình thuộc Dự án FAO là các hộ dân áp dụng đúng kỹ thuật thu được lợi nhuận khá cao và nông dân cũng từng bước thay đổi tư duy sản xuất, chủ động hơn trong áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất tạo tiền đề sản xuất nông sản sạch.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ JongHa Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho biết, hội thảo lần này nhằm đánh giá kết quả cụ thể của dự án trong giúp nâng cao nhận thức chung về sự cần thiết phải thực hành các phương pháp nuôi tôm bền vững cho nông dân.

Áp dụng các mô hình nuôi tôm bền vững và cải tiến kỹ thuật nuôi là cách giải quyết các quan ngại về môi trường và sức khỏe cho người nuôi tôm cũng như đảm bảo tôm nuôi từ mô hình sạch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm.

FAO sẽ làm việc với các vụ, viện chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xác định và trình diễn các phương pháp thực hành nuôi tôm cải tiến trong bối cảnh biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo sinh kế cho nông dân, bảo vệ môi trường, cũng như góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành tôm Việt Nam./.

>>> Nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm

>>> Nhiều mô hình nuôi tôm cho lãi cao ​

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục