Đào tạo trực tuyến: Cơ hội tăng thu nhập cho giảng viên

16:12' - 26/07/2017
BNEWS Ngày 26/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp cùng Học viện trực tuyến Unica tổ chức chương trình đào tạo Trainer Summit với chủ đề “Tăng thu nhập với nghề đào tạo trực tuyến”.
Cơ hội tăng thu nhập với nghề đào tạo trực tuyến. Ảnh minh họa: CommLab India

Đây là cơ hội để cộng đồng diễn giả tại Việt Nam giao lưu, chia sẻ cơ hội hợp tác, cùng nhau thúc đẩy thị trường dạy và học trực tuyến (E – learning) tại Việt Nam. Giáo dục và đào tạo trực tuyến mang đến cơ hội tăng thu nhập cho các giảng viên, đồng thời giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả thu nhận kiến thức cho học viên.

Thực tế cho thấy, internet đang ngày càng chi phối mọi hoạt động trong xã hội. Các hoạt động theo giao thức truyền thống dần được chuyển sang trực tuyến, trong đó đào tạo trực tuyến đang là một xu thế phát triển rất mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên nhấn mạnh Hiệp hội Internet Việt Nam với vai trò của mình cùng những kết nối của các thành viên của hiệp hội gồm các nhà cung cấp dịch vụ lớn, các đơn vị cung cấp phần mềm... là nền tảng để các đơn vị, cá nhân trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến cùng hợp tác và phát triển.

Sự phát triển mạnh mẽ của internet và điện thoại thông minh khiến việc dạy và học trực tuyến đã trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Ở Việt Nam, hiện có hàng ngàn chuyên gia, giảng viên đã và đang đưa các khóa học lên mạng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc dạy và học trực tuyến vẫn chưa trở thành lựa chọn, thói quen của các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam.

Theo khảo sát của Học viện trực tuyến Unica, hiện chỉ có 8% các công ty đang sử dụng các giải pháp học tập trực tuyến, 7% các công ty đang thử nghiệm mô hình này. Tuy nhiên, tỷ lệ này dự báo sẽ tăng lên 28% trong vòng 2 năm tới khi những hiệu quả thiết thực của hình thức giáo dục trực tuyến ngày càng thể hiện tính ưu việt so với việc dạy và học truyền thống trên các lớp học.

Người sáng lập Học viện trực tuyến Unica Nguyễn Trọng Thơ phân tích về những lý do mà các giảng viên không nên tiếp tục mở rộng các lớp học truyền thống bởi sự hạn chế số lượng học viên tham dự, thu nhập cho giáo viên bị giới hạn và chi phí tổ chức lớp học cao.

Bên cạnh đó, việc tăng thu nhập do tăng số giờ lên lớp của giảng viên ảnh hưởng đến sức khỏe, tốn nhiều thời gian chuẩn bị, giáo án, di chuyển... của giảng viên. Trong khi đó, đào tạo trực tuyến có những ưu điểm vượt trội.

“Dạy một lần, phục vụ cho hàng triệu người, thu nhập tăng không giới hạn, đóng gói kiến thức cũ và cập nhật kiến thức mới, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.... ” là những ưu thế dễ nhận thấy của đào tạo trực truyến theo chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Thơ.

Tại Việt Nam, với 40% dân số kết nối internet, chủ yếu là giới trẻ, nhu cầu học hành cao. Mỗi năm, người Việt Nam chi 3-4 tỉ USD để cho con cái du học. Vì thế, thị trường giáo dục đào tạo trực tuyến đang đầy tiềm năng với quy mô lớn cùng tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 40% mỗi năm, ước tính quy mô thị trường không dưới 2 tỉ USD.

Theo thống kê của Tổ chức Topica Founder Institute, tính đến hết năm 2016, Việt Nam có 309 dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo với tổng số vốn đăng ký hơn 767 triệu USD. Xu hướng giáo dục và đào tạo trực tuyến rõ ràng đang mở ra nhiều hướng đi, cơ hội, thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân chọn kinh doanh trên lĩnh giáo dục tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ chương trình đào tạo Trainer Summit năm 2017, hơn 800 người quan tâm đến nghề đào tạo trực tuyến có cơ hội giao lưu chia sẻ kinh nghiệm để trở thành người đào tạo trực tuyến thành công, cách thức sản xuất các sản phẩm đào tạo trực tuyến, marketing mở rộng thị trường, hướng đến thu nhập cao cùng những giao lưu, kết nối để làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội./.

>>> Ra mắt ứng dụng thông minh MEED tại Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục