Đầu tư hơn 56 tỷ đồng xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm

16:21' - 12/12/2017
BNEWS Thái Nguyên thông qua chủ trương đầu tư 56,2 tỷ đồng giai đoạn 2018-2020 đầu tư xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm; trong đó, vốn ngân sách là 37,5 tỷ đồng, còn lại do vốn chủ đầu tư đối ứng.
Đầu tư hơn 56 tỷ đồng xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Ảnh minh họa: TTXVN

Mục tiêu của Thái Nguyên là đến năm 2020 hình thành 6 cơ sở giết mổ động vật tập trung tại Tp. Thái Nguyên, Tp. Sông Công, thị xã Phổ Yên và 2 huyện Phú Bình, Đại Từ cùng 21 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ trên địa bàn.

Đồng thời, hình thành từ 10 đến 12 chuỗi liên kết chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm động vật, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, ngăn chặn lây lan dịch bệnh từ động vật, từng bước giảm và tiến tới loại bỏ hình thức giết mổ động vật tại các hộ ở khu dân cư...

Theo đề án mới được tỉnh Thái Nguyên thông qua, trước mắt tỉnh thực hiện quy hoạch, bố trí đất đai cho 17 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 70 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ.

Ngoài ra, thực hiện một số cơ chế chính sách hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật như: hỗ trợ chi phí vận chuyển gia súc, gia cầm đến cơ sở giết mổ tập trung; 50% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng theo đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng của địa phương nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ 50% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng không quá 400 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ 100% phí kiểm soát giết mổ theo quy định...

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết, để hoàn thành các mục tiêu đề án quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018 - 2020, trước mắt, chính quyền các địa phương trong tỉnh rà soát, thống kê các điểm giết mổ, buôn bán thịt gia súc, gia cầm.

Cùng với đó, tổ chức ký cam kết với các hộ giết mổ gia súc, gia cầm, kinh doanh sản phẩm động vật chấp hành các quy định về điều kiện giết mổ động vật. Ngành nông nghiệp cùng với các địa phương phát triển hợp tác xã chăn nuôi, giết mổ với nòng cốt là các trang trại, gia trại tập trung, xây dựng các mô hình liên kết chuỗi tại các địa phương chăn nuôi trong điểm như: Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương, Thị xã Phổ Yên...

Qua thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, hiện tại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 640 hộ giết mổ động vật; trong đó, có 31 hộ giết mổ trâu bò, hơn 500 hộ giết mổ lợn, gần 100 hộ giết mổ gia cầm. Tại các chợ trên địa bàn tỉnh có gần 1.300 bàn bày bán sản phẩm động vật với sản lượng khoảng 70 tấn thịt động vật/ngày.

Ngoài ra, tỉnh còn có gần 700 tụ điểm kinh doanh, buôn bán sản phẩm động vật tự phát, không theo quy hoạch; 55% sản lượng thịt động vật chăn nuôi của tỉnh được xuất ra ngoài tỉnh là xuất thịt hơi, chưa qua giết mổ, còn 45% sản phẩn động vật tiêu thụ nội tỉnh phần lớn chưa được kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y nên có nguy cơ cao về mất vệ sinh an toàn thực phẩm...

Trong giai đoạn 2013 - 2016, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng được 3 cơ sở giết mổ động vật tập trung tại huyện Phú Bình, Thị xã Sông Công và Thành phố Thái Nguyên cùng 4 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đều hoạt động kém hiệu quả, công suất giết mổ không phù hợp với nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh, chưa có sự liên kết giữa cơ sở giết mổ động vật tập trung với các hộ giết mổ nhỏ lẻ, các hộ chăn nuôi.

>>>Chấn chỉnh công tác quản lý kiểm soát tại các lò mổ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục