Đầu tư từ phương Tây vào Nga tăng mạnh sau bầu cử Mỹ

20:21' - 20/12/2016
BNEWS Nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới tin vào khả năng trỗi dậy của Nga sau hai năm suy thoái và sức mua sắm của người dân sẽ bùng nổ.
Kinh tế Nga được cho là sẽ hồi phục trong vài năm tới. Ảnh: China Daily

Trong những năm gần đây nền kinh tế Nga chịu nhiều thiệt hại vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá dầu lao giảm sâu. Tuy nhiên, chiến thắng của doanh nhân Donald Trump trong bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua nhen lên hy vọng án phạt sẽ được nới lỏng và mối quan hệ giữa Nga và phương Tây sẽ nồng ấm trở lại trong quan hệ với phương Tây.

Hy vọng đó đang dần được hiện thức hóa qua những dấu hiệu ngày càng rõ về sự vực dậy của nền kinh tế Xứ sở Bạch Dương, đặc biệt là qua dòng đầu tư từ phương Tây vào Nga tăng mạnh.

Theo số liệu của Emerging Portfolio Fund Research, chỉ trong tuần cuối tháng 11, các quỹ đầu tư của phương Tây hướng đến thị trường Nga đã huy động được con số kỷ lục 205 triệu USD, và tiếp tục gia tăng trong tuần sau đó lên đến 360 triệu USD. Và giới quan sát đồng thanh cho rằng nguyên nhân chính là kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Các tập đoàn lớn mở rộng đầu tư

Có thể coi tập đoàn đồ gia dụng IKEA của Thụy Điển tại Nga là một ví dụ điển hình về thành công. Ngay cả khi người Nga giảm mạnh tiêu dùng do khó khăn kinh tế, doanh thu bằng đồng ruble của IKEA vẫn tăng đều.

Giám đốc IKEA tại Nga, Walter Kadnar, trong trả lời hãng Bloomberg nói: "Giờ là thời điểm để đầu tư. Tôi tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của thị trường Nga".

Gần đây nhất IKEA mở cửa hàng mới là đã cách đây 5 năm. Mới đây ông Kadnar đã công bố kế hoạch đầu tư 1,6 tỷ USD trong 5 năm để mở các cửa hàng mới. Cuối năm 2016 nhà máy đồ gỗ mới trị giá 60 triệu USD được khánh thành tại thành phố Novgorod, và một khu đất gần Saint-Petersbourg đã được mua để xây dựng trung tâm thương mại thứ ba của IKEA.

IKEA tăng cường đầu tư vào Nga. Ảnh: IKEA

Ngoài IKEA, Tập đoàn Leroy Merlin của Pháp có kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD trong 5 năm để tăng gấp đôi quy mô hệ thống thương mại của mình tại Nga. Doanh số bán hàng quy ra ruble của tập đoàn này tại Nga trong 2 năm khủng hoảng vẫn tăng 5%.

Tập đoàn dược phẩm Pfizer Inc. hiện đã đang xây dựng nhà máy sản xuất thuốc ngay tại Nga. Còn tập đoàn Mars Inc. thì đang mở rộng nhà máy sản xuất kẹo cao su và thức ăn cho vật nuôi.

Tất cả các tập đoàn lớn đều tin vào khả năng trỗi dậy của Nga sau hai năm suy thoái và sức mua sắm của người dân sẽ bùng nổ.

Nói đến sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài của Nga hiện nay thì không thể bỏ qua khu vực nông nghiệp. Theo các con số ước tính, số dự án đầu tư vào nông nghiệp tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các khu liên hợp nông nghiệp của Nga hiện đứng thứ hai trong danh mục hấp dẫn đầu tư châu Âu và Đông-Nam Á.

Các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Thái Lan, Trung Đông đổ tiền vào ngành chăn nuôi gia cầm, trồng ngũ cốc, sản xuất sữa. Cho đến cuối năm 2016, một khu liên hợp nuôi gia cầm lớn đang được nâng cấp tại vùng Lenoblast; một khu sản xuất sữa lớn nhất Nga đang được xây dựng hết sức khẩn trương tại tỉnh Ryazan; và mới đây tại ngoại ô Moskva đã khánh thành một khu liên hợp chăn nuôi 4.000 đầu gia súc.

Một dự án khổng lồ khác do Quỹ đầu tư trực tiếp Nga hợp tác với công ty Mubadala Development Company từ Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) thực hiện, số tiền đầu tư vào đây lên đến 9 tỷ ruble để xây dựng tập đoàn sản xuất và phân phối gạo.

Tập đoàn này cũng tham gia cả vào chương trình thay thế nhập khẩu trong lĩnh vực trồng và chế biến rau quả. Mubadala còn đầu tư 10 tỷ ruble vào một tập đoàn khác – “Efko”, nay thuộc hàng đầu các nhà sản xuất thực phẩm.

Các nhân tố thu hút

Trong các nhân tố thu hút đầu tư nước ngoài vào Nga thì trước hết phải kể đến Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump. Trong chiến dịch tranh cử và cả sau khi giành chiến thắng, ông Trump luôn bày tỏ sự thán phục đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và ủng hộ nối lại quan hệ với Nga.

Điều này tác động không nhỏ đến tâm lý của nhiều chính trị gia và các doanh nhân. Trong một bài báo phân tích, Ngân hàng Đức Deutsche Bank viết: "Dựa vào các phát biểu từ cả hai bờ Đại Tây Dương chúng tôi cho rằng sự ổn định đã ở trong tầm tay".

Các chuyên gia của ngân hàng này cũng dự báo ông Trump sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga vì lý do Nga có triển vọng kinh tế, trái phiếu Nga có tiềm năng hơn hẳn trái phiếu một số nước như Nam Phi hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga hy vọng Tổng thống mới đắc cử Donald Trump sẽ thúc đẩy quan hệ Mỹ - Nga thuận lợi hơn. Ảnh: AP/TTXVN

Ngoài những phát ngôn “thân thiện” về Nga của ông Trump, theo kết luận của giới chuyên gia, trong lịch sử điện Kremli luôn hợp tác thuận lợi hơn với một chính quyền của đảng Cộng hòa. Do đó các kỳ vọng đạt thỏa thuận trong các vấn đề quốc tế giữa Nga và Mỹ cũng tăng lên, kéo theo những đánh giá tích cực hơn về triển vọng đầu tư vào Nga.

Nhân tố thứ hai là tỷ giá đồng ruble. Theo nhiều đánh giá của các nhà kinh tế, chi phí sản xuất tại Nga hiện nay đã rẻ hơn tại Trung Quốc. Một trong các nguyên nhân là chi phí nhân công tại Nga giảm rõ rệt.

Theo tính toán của Ngân hàng Tiết kiệm Nga, mức lương trung bình tại Nga chỉ còn 433 USD/tháng, thấp hơn cả tại Serbia, Romania, Trung Quốc và Ba Lan.

Lương giảm khiến nhiều công ty nước ngoài có nhà máy tại Nga thậm chí còn xuất khẩu được sản phẩm ra nước ngoài, ví dụ như Candy, xuất sang châu Âu, Australia và Nhật Bản; Huyndai xuất sang Ai Cập.

Các công ty nước ngoài đã tận dụng cơ hội đồng ruble rẻ để tăng sản xuất tại Nga. Ví dụ như IKEA có kế hoạch tăng tỷ lệ sản phẩm sản xuất tại Nga trong những năm tới đây lên tới 80%. Hiện sản phẩm giường gấp IKEA sản xuất tại Nga đã được bán tại Trung Quốc, rèm cửa vải bông và đồ gỗ bán sang châu Âu.

Nhân tố thứ ba là các biện pháp cấm nhập khẩu để đáp trả trừng phạt của phương Tây cũng là cơ hội được các công ty trong nước tận dụng hiệu quả. PepsiCo đã tăng sản xuất phô mai sau khi điện Kremli áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu, và mới đây, trong tháng 11, đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn cho trẻ em mới ở miền Nam nước Nga với số vốn đầu tư lên tới 40 triệu USD.

Tập đoàn TH TrueMilk của Việt Nam cũng vừa mới khởi công xây dựng nhà máy sữa thứ hai tại tỉnh Kaluga và hy vọng sẽ trình làng sản phẩm đầu tiên vào năm 2017.

Nhân tố thứ tư là tín hiệu lạc quan từ thị trường: Ngay cả khi đồng ruble mất giá tới 50% và số lượng người trung lưu giảm thì Nga vẫn là thị trường lớn thứ ba về doanh số bán hàng của PepsiCo sau Mỹ và Mexico.

Cách đây hai năm, nhiều công ty lớn, trong đó có General Motors Co., đã rời khỏi thị trường Nga để tránh các biện pháp trừng phạt và tránh khủng hoảng, song những công ty ở lại thì nay đang chuẩn bị tăng doanh thu và tỷ suất lợi nhuận nhờ vào tỷ giá đồng ruble giảm và nền kinh tế dần thoát khỏi suy thoái.

Cuộc gặp thường niên giữa quan chức chính phủ và các nhà đầu tư nước ngoài, diễn ra hồi tháng 9, đã thu hút được số người tham gia đông đảo nhất trong 10 năm qua. Con số công bố tại cuộc gặp này cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2016, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nền kinh tế Nga đã tăng lên đến 8,3 tỷ USD, trong khi con số này của cả năm 2015 chỉ là 5,9 tỷ USD.

Mới đây Chính phủ Nga đã đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế lần đầu tiên kể từ khi khủng hoảng, dù mới chỉ ở mức khiêm tốn 0,8% trong năm 2017, song nó có ý nghĩa như một dấu mốc chuyển từ thời kỳ khủng hoảng sang tăng trưởng.

Chỉ một yếu tố cản trở các nhà đầu tư, song tiếc thay lại mang tính chất truyền thống, đó là thói quan liêu địa phương. Dù Nga đã tăng nhiều bậc trong bảng xếp hạng quốc tế về độ dễ trong kinh doanh, song các công ty nước ngoài lớn vẫn thường xuyên bị sách nhiễu.

Hiện, IKEA cũng đang phải theo đuổi vụ kiện thuế từ 5 năm nay và ngoài ra còn các vụ kiện tụng khác liên quan đến các hợp đồng từ những năm 1990. Yếu tố này có ảnh hưởng đến phát triển kinh doanh, song như lãnh đạo công ty cho biết, không ảnh hưởng đến niềm tin của họ rằng Nga là thị trường mà họ cần phải có mặt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục