Đầu tư vào vàng "lên ngôi" trong bối cảnh kinh tế ảm đạm

13:48' - 16/03/2016
BNEWS Tại trung tâm mua sắm sang trọng bậc nhất của Vương quốc Anh - Harrods, người tiêu dùng có thể mua vàng miếng như một cách để đầu tư trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế còn nhiều bất ổn.
Một cửa hàng bán vàng miếng tại trung tâm thương mại xa xỉ bậc nhất London-Harrods. Ảnh: professionaljeweller.com

Sự xáo động trên các thị trường tài chính toàn cầu từ đầu năm tới nay cùng với triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm đã đẩy giá vàng tăng gần 19%.

Trên toàn cầu, nhu cầu đầu tư vàng trở nên mạnh mẽ hơn, trong khi giá cổ phiếu và lợi nhuận của các công ty khai thác vàng cũng tăng đáng kể.

Một tấm vàng miếng có hình dáng giống chiếc sim điện thoại được bày bán tại thiên đường mua sắm Harrods với giá khoảng 40 bảng Anh, trong khi một kg vàng to cỡ bằng một thanh sô cô la nhỏ có giá 29.000 bảng.

Dù là sản phẩm vàng miếng hay vàng thanh có hình thù, kích cỡ hay hình in dập nổi khác nhau, chúng đều phải trải qua một hành trình dài kể từ khi được khai thác ở các mỏ vàng trên toàn cầu cho tới lúc được bày bán tại khu mua sắm sầm uất Harrods ở thủ đô London hoặc bất kỳ trung tâm mua sắm nào trên thế giới.

Trong bối cảnh giá vàng tăng mạnh từ đầu năm tới nay và phiên cuối tuần qua đã chạm mức cao nhất trong 13 tháng trở lại đây là 1.283 USD/ounce, ngành khai thác vàng trên toàn cầu đã có một khởi đầu năm mạnh mẽ nhất trong hơn ba thập niên trở lại đây.

Điều này mang lại hy vọng rằng giai đoạn ảm đạm của ngành khai thác và chế tác vàng đã là dĩ vãng.

Đầu tư vào vàng lên ngôi trong bối cảnh kinh tế ảm đạm. Ảnh: telegraph.co.uk

Nhu cầu đầu tư vào vàng tăng trở lại vào thời điểm giới đầu tư ngày càng quan ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu cũng như nghi ngại về khả năng các biện pháp tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước có thể mang lại động lực phục hồi kinh tế.

Theo các nhà phân tích kim loại quý tại Anh, chính sách lãi suất âm và đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn yếu cũng là những nhân tố có lợi cho giá vàng.

Theo khảo sát vàng hàng năm GFMS của Thomson Reuters, sản lượng vàng toàn cầu giảm 4% trong quý IV/2015 và dự kiến 2016 sẽ là năm giảm đầu tiên kể từ năm 2008.

Trong khi đó, theo các nhà phân tích của ngân hàng Deutsche Bank, trữ lượng vàng của các công ty khai mỏ lớn ở Bắc Mỹ cũng đang hạ.

Hoạt động mua bán sôi động của các khách hàng mua lẻ trong thời gian qua đã đẩy giá cổ phiếu của các công ty khai mỏ hàng đầu thế giới tăng đáng kể.

Cổ phiếu của Barrick Gold - công ty khai thác vàng lớn nhất thế giới về khối lượng - đã tăng khoảng 90% từ đầu năm đến nay, trong khi giá cổ phiếu của Randgold Resources - công ty có giá trị thị trường lớn nhất trong số các công ty khai thác vàng niêm yết tại thị trường chứng khoán Anh - tăng 54%.

Trong cùng thời gian này, cổ phiếu của các công ty khai mỏ ở Australia (Ôx-trây-li-a) và Nam Phi cũng lên giá mạnh mẽ, nhờ nhu cầu vàng mạnh lên và đồng nội tệ yếu đi góp phần đẩy lợi nhuận của các công ty này tăng.

Nhà phân tích Stephen Walker thuộc công ty RBC Capital Markets nhận định rằng lần đầu tiên trong nhiều năm, ngành khai thác vàng bắt đầu đáp ứng kỳ vọng của các cổ đông.

Mặc dù giá vàng giảm 10% trong năm 2015, song nhờ các chiến lược điều chỉnh đầu tư hợp lý từ trước đó trên cơ sở dự báo cầm chừng hơn về giá vàng, các công ty khai thác vàng trên thế giới vẫn cải thiện được dòng vốn, đồng thời giảm nợ tích lũy trong giai đoạn đầu tư vào vàng bùng nổ trước đây.

Thêm vào đó, theo công ty khai thác vàng lớn thứ hai thế giới Newmont, các yếu tố khách quan như chi phí năng lượng giảm và tỷ giá đồng nội tệ đi xuống cũng đóng góp khoảng 60% vào việc giúp các công ty khai thác vàng cắt giảm chi phí hiệu quả trong năm vừa qua.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thị trường, mặc dù nhu cầu vàng đang tăng lên, song chủ yếu là dưới hình thức đầu tư, và vì thế nó chưa gây tác động tích cực lên lợi nhuận của các công ty kim hoàn lớn nhất thế giới.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua vào đã tăng mạnh trong sáu tháng cuối năm 2015, đưa 2015 trở thành năm thứ sáu liên tiếp các định chế tài chính này là những khách mua ròng.

WGC cho hay do vàng ít được sử dụng trong công nghiệp, nên đồ trang sức vẫn có tỷ trọng lớn nhất trong nhu cầu (tiêu dùng) về vàng, trong đó trên 60% nhu cầu đồ trang sức bằng vàng là từ Trung Quốc và Ấn Độ

Xem thêm diễn biến mới nhất trên thị trường vàng tại đây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục