Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp -Bài 1

09:56' - 25/06/2017
BNEWS Trong nhiều năm qua, khoa học công nghệ đã được ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất vẫn còn nửa vời.
Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Trong khi, đòi hỏi của ngành sản xuất nông nghiệp là phải đưa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các khâu từ sản xuất giống đến chế biến, xuất khẩu. Vậy cơ chế, chính sách nào nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để tạo ra năng suất, chất lượng và hiệu quả trong nông nghiệp là câu hỏi luôn được đặt ra.

Bài 1: Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp còn nhiều khó khăn

Từ lâu nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp đã giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng so với phương thức truyền thống cũ. Tuy nhiên, vấn đề thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư công nghệ hiện đại, những mô hình ứng dụng công nghệ cao hiện chưa tạo được đột phá để giúp nền nông nghiệp nước nhà “cất cánh”.

*Chưa liên kết được giữa chuỗi sản xuất và tiêu thụ

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp được xem là đem lại những hiệu quả thiết thực và ngày càng thể hiện được ưu thế vượt trội so với sản xuất nông nghiệp truyền thống.
Tiêu biểu cho mô hình này là từ khi thành lập Khu nông nghiệp công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh đi vào hoạt động đã giúp cung cấp hạt giống chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao các mô hình sản xuất rau, dưa an toàn, nhân giống hoa lan cấy mô, cá cảnh cho nông dân, … Ngoài ra, Khu nông nghiệp công nghệ cao còn chuyển giao các mô hình ứng dụng công nghệ cao trên hoa lan, rau ăn lá, chế phẩm sinh học vào thực tiễn sản xuất.
Ứng dụng công nghệ cao giải quyết phần nào những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng người nông dân vẫn còn lo ngại đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Bởi họ sợ rủi ro trong quá trình sản xuất, cũng như khi áp dụng công nghệ cao sẽ giúp nâng cao sản lượng, nhưng người nông dân sẽ bán sản phẩm ở đâu khi mà thông tin về thị trường tiêu thụ họ không nắm được.
Ông Trần Công Kiêm, nông dân trồng rau ở ấp Tân Lập, huyện Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Gia đình tôi có 2.000 m2 trồng các loại rau theo phương pháp truyền thống. Và cũng như nhiều nông hộ khác trong vùng, việc tiêu thụ rau của gia đình rất bấp bênh, bởi phụ thuộc nhiều vào thương lái. Vì giá rau và sản lượng thu mua do thương lái quyết định. Nếu đầu tư công nghệ vào trồng rau, với sản lượng rau tăng lên chúng tôi biết bán ở đâu để có giá cao tương xứng với những gì chúng tôi đầu tư?"
Theo ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay người nông dân đơn lẻ rất khó tiếp cận với hệ thống phân phối lớn. Để giúp người nông dân bán được nông sản ở thị trường trong nước và nước ngoài, phải giúp được người nông dân kết nối với chuỗi giá trị sản xuất và chuỗi cung ứng.
“Chuỗi giá trị sản xuất ở đây chính là giúp người nông dân nâng cao chất lượng sản xuất (năng suất, sản lượng, chất lượng) bằng cách trước khi nông dân bắt đầu trồng một loại cây nào đó chúng ta sẽ cung cấp cho họ thông tin giống cây đó mua ở đâu là tốt, điều kiện trồng như thế nào, phân bón ra sao? Còn chuỗi cung ứng là hàng ngày người nông dân sẽ được cập nhật thông tin thị trường nông nghiệp bao gồm: người thu mua chế biến, người phân phối, giá cả…. Người nông dân sẽ chủ động lựa chọn đối tác thu mua sản phẩm họ làm ra với giá cao.

Còn trong trường hợp sản phẩm họ đang trồng bị “dội chợ”(cung vượt quá cầu), chúng ta sẽ cung cấp thông tin đó cho họ biết, đồng thời đưa cho họ thông tin về cách chế biến, bảo quản để giữ sản phẩm lại, sau khi thị trường ổn định mới bán ra. Để làm được điều này chúng ta phải có một thiết bị công nghệ phần mềm tổng hợp được toàn bộ thông tin về quy trình sản xuất, thị trường tiêu thụ để cung cấp cho người nông dân”, ông Thiện chia sẻ thêm.
Mặt khác, không phải người nông dân nào cũng có điều kiện đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, bởi giá các sản phẩm công nghệ nhập nội rất cao.
Theo các chuyên gia trong ngành, để xây dựng được một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao cần khoảng 140 tỷ đến 150 tỷ đồng (gấp 4 đến 5 lần so với trang trại chăn nuôi truyền thống). Trong khi đó, đầu tư 1ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới, bón phân tự động theo công nghệ của Israel cần ít nhất từ 10-15 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc, Công Ty TNHH Thương mại Hạt giống và Nông sản Phù Sa (Tp. Hồ Chí Minh) cho biết: "Khi tôi còn làm tại Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam, một doanh nghiệp từ Bỉ đã nhờ tôi giới thiệu mô hình trồng cải trong container có diện tích khoảng 6m2 với đầy thiết bị, máy móc, phần mềm có giá hơn 2 tỷ đồng. Đây là số vốn cần đầu tư quá cao đối với nông dân Việt Nam.

Tôi nhẩm tính, nông dân phải trồng 16.000 cây cải và bán với giá 220.000 đồng/cây may ra mới thu hồi được vốn. Do vậy rất cần các nhà khoa học trong nước có thể tạo ra những sản phẩm công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp với giá thành rẻ để nông dân ứng dụng công nghệ cao một cách rộng rãi".
Do đó, rất cần những sản phẩm công nghệ của người Việt, phù hợp cho người Việt. Ông Từ Minh Thiện cho rằng, không chỉ tạo ra sản phẩm công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp ngay tại trong nước với giá thành rẻ, các nhà khoa học nên đơn giản hóa sản phẩm để người nông dân dễ sử dụng. Khi nông dân thấy công nghệ thông tin càng đơn giản họ sẽ thích thú ứng dụng trong sản xuất nhiều hơn.
Hiện vẫn còn bất cập đó là trong thời đại công nghệ như hiện nay, người sản xuất nông nghiệp lại không biết nhiều về công nghệ, người làm công nghệ thông tin lại không biết nhiều về nông nghiệp. Hai bên không gặp nhau thì không bao giờ đẩy được năng suất nông sản lên được. Trong khi đó, so sánh với Israel với dân số chỉ khoảng 8 triệu người nhưng họ đã gắn kết được nông nghiệp với công nghệ, nhờ vậy đây là nước có nền nông nghiệp mạnh thuộc Top 3 trên thế giới.
Qua đó để thấy, chỉ có ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp thì nông nghiệp mới cất cánh được và 90% người nông dân Việt Nam mới có thu nhập tốt.
Trong bối cảnh chất lượng nông sản, thực phẩm đang được quan tâm, giải pháp Internet of Things (Internet kết nối vạn vật - IoT) sẽ góp phần nâng cao chất lượng và đảm bảo sự an toàn cho sản phẩm nông nghiệp. Các chủ thể quan trọng của nông nghiệp công nghệ cao là nông dân, doanh nghiệp công nghệ, nhà nông nghiệp cùng liên kết với nhau.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã biết ứng dụng IoT và Bigdata (dữ liệu lớn) để sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ phù hợp với người dân Việt Nam. Cụ thể đến nay, đã có nhiều dự án ứng dụng được đưa vào áp dụng thử nghiệm như: mô hình trồng dưa lưới bằng công nghệ tự động ứng dụng phần mềm Smart Agri tại Khu nông nghiệp công nghệ cao giúp tăng năng suất và giảm chi phí đầu tư. Hay tem truy xuất nguồn gốc thịt lợn do Hội Công nghệ cao phát hành đang có ảnh hưởng lớn trong xã hội, giúp người dân có nhiều lựa chọn hơn khi mua thực phẩm sạch…
>>>Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp - Bài 2: Gỡ "nút thắt" cho sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục