Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp - Bài 3

11:11' - 25/06/2017
BNEWS Bài 3: Công nghệ nông nghiệp hướng đến người dùng Việt
Trồng dưa lưới trong nhà màng tại Khu nông nghiệp công nghệ cao qua hệ thống phần mềm quản lý ứng dụng công nghệ cao tại huyện Củ Tri. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Nếu như phần mềm Smart Agri đem lại những hiệu ứng tích cực cho người trồng trọt, ứng dụng TE-Food - tem điện tử giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc thịt lợn, có thêm nhiều sự lựa chọn khi mua thực phẩm sạch, đặc biệt là trong bối cảnh “nóng” chất lượng thực phẩm như hiện nay. Được đưa vào ứng dụng từ khoảng cuối năm 2016, phần mềm này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng bởi các tính năng đơn giản và phù hợp, ngay cả người nông dân cũng có thể sử dụng được.

Nhanh, rẻ, đơn giản với người dân

Xuất phát từ bức xúc hàng ngày, người dân phải ăn những chất độc hại, đề án truy xuất và nhận diện nguồn gốc thịt lợn của UBND Tp. Hồ Chí Minh giao Sở Công Thương chủ trì thực hiện; trong đó, Hội Công nghệ cao là đơn vị nghiên cứu, triển khai công nghệ truy xuất nguồn gốc thịt lợn có tên là TE-Food dựa trên sự tích hợp nhiều công nghệ khác nhau. Thịt lợn được ứng dụng bởi chuỗi công nghệ này sẽ đi qua một con tem. Từng miếng thịt đến tay người tiêu dùng đều có nguồn gốc rõ ràng của từng trại nuôi, cán bộ kiểm dịch… nên gắn với trách nhiệm của từng người, từng khâu trong chuỗi sản xuất.
Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch, Hội Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, ban đầu, việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn gặp một số khó khăn do con lợn qua nhiều chủ thể như trang trại, thương lái, thú y, vận chuyển, lò giết mổ, chợ sỉ, chợ lẻ… Việc qua nhiều lần vận chuyển trước khi đến với người tiêu dùng, do đó phải đưa ra nhiều giải pháp và chu trình phù hợp.

Hơn nữa, con lợn còn là đối tượng trục lợi của một bộ phận người làm ăn không minh bạch, qua các công đoạn như cho thức ăn tạo nạc, tiêm thuốc an thần để bơm nước, ướp tẩm… với nhiều thủ đoạn tinh vi và có hệ thống. Do đó, việc làm sao đưa ra chu trình để ngăn chặn sự gian lận nhưng không ảnh hưởng đến kinh doanh bình thường cũng là việc khó khăn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, khi cung cấp các giải pháp trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp cần đưa ra mức chi phí thấp cho người nông dân. Đồng thời, phải đề cập tới yếu tố lợi ích khi triển khai công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt thì người dân mới hưởng ứng. Do đó, nhanh, rẻ, đơn giản là 3 yếu tố để sản phẩm công nghệ có sức sống trên thị trường Việt Nam.

Muốn rẻ các doanh nghiệp phải nghĩ ra những công nghệ đơn giản và phải tận dụng được hạ tầng sẵn có ở Việt Nam. Cuối cùng phải tận dụng công cụ mà mỗi gia đình có sẵn. Mặt khác là phải nhanh vì hàng nông sản không có thời gian để ngồi nhập liệu mà tất cả phải được số hóa. Ví dụ rau củ cắt xong, đóng gói và chuyển đi trong vòng mấy giờ đồng hồ; thịt lợn từ giết mổ cho đến khâu phân phối ra thị trường kết thúc trong vòng 3 giờ đồng hồ. Những người tham gia chu trình phần đông ít tiếp xúc công nghệ cao, do đó phải có cách thực hiện rất đơn giản, nhanh, dễ thao tác.

Một khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Ở góc độ ứng dụng công nghệ, ông Lê Thành Vinh, chủ trại nuôi lợn ở huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai chia sẻ, trước kia nông dân chưa bao giờ được tiếp cận các công nghệ hiện đại, nhưng việc sở hữu hay sử dụng smartphone cũng đã trở nên phổ biến trong gia đình, nên việc áp dụng ứng dụng truy xuất nguồn gốc hoàn toàn thuận lợi qua vài lần thao tác. Quan trọng hơn là cơ sở được nhìn thấy sản phẩm của mình ra thị trường một cách rõ ràng, minh bạch và được người trân trọng khi đưa đi tiêu thụ khắp nơi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh, ứng dụng TE-Food đã tạo ra một quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt lợn nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Quy trình này sử dụng nhiều công nghệ, như QR code, vòng nhận diện, tem điện tử, điện toán đám mây, mà các yếu tố này được điều hành bằng hệ thống công nghệ quản lý giao dịch, nhận dạng, vốn được sử dụng hơn 10 năm qua ở châu Âu.

Toàn bộ thông tin được số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu với thời gian lưu trữ từ 5-10 năm nên không cần đến giấy tờ, thủ tục như trước đây và không thể giả mạo hay sao chép. Không chỉ kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, ứng dụng tem TE-Food còn là một công nghệ xanh, bảo vệ môi trường để Tp.Hồ Chí Minh là thành phố thông minh với Chính phủ điện tử, cả một chu trình gồm quản lý Nhà nước, nông dân, phân phối không in một mảnh giấy, không ký tên đóng dấu nhưng vẫn kiểm soát được thông tin, giúp giảm rất nhiều chi phí.

Giảm gánh nặng chi phí

Theo ông Đào Hà Trung, ở thời điểm này, dù người tiêu dùng mua ở hệ thống nào cũng vẫn còn rất nhiều thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, qua áp dụng TE-Food nên tỷ lệ này đã giảm xuống rất nhiều. Hiện nay, trên 1.200 trang trại từ 15 tỉnh thành từ Bình Thuận đến Cà Mau với hơn 440 siêu thị đã đăng ký tham gia hệ thống truy xuất của TE-Food.

Tại Tp.Hồ Chí Minh, hệ thống TE-Food được áp dụng ở toàn bộ các siêu thị, 25 cơ sở giết mổ, 23 chợ lẻ với 144 quầy thịt, trên 840 điểm bán hàng đăng ký tham gia, người tiêu dùng có thể tải ứng dụng TE-Food xuống và tự kiểm tra, trải nghiệm. Một số tỉnh, thành khác cũng đang tìm hiểu khả năng áp dụng TE-Food. Với giải pháp rẻ, dưới 10.000 đồng/con lợn cho toàn bộ quy trình, chiếm khoảng 0,2% giá trị con lợn, ở thời điểm này người nông dân rất tích cực tham gia và say mê ứng dụng này.
Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc chỉ mới đáp ứng được 50% lượng thịt lợn tại Tp.Hồ Chí Minh. Đặc biệt là hai chợ bán sỉ là Bình Điền và Hóc Môn - nơi cung cấp thịt lợn lớn nhất của Tp.Hồ Chí Minh vẫn chưa kiểm soát được toàn bộ lượng thịt lợn sạch.
Từ ngày 1/8/2017, hệ thống sẽ tập trung kiểm soát được 100% lượng thịt lợn tiêu thụ tại Tp.Hồ Chí Minh. Sắp tới, thịt gà và trứng gia cầm cũng sẽ được kiểm soát truy xuất nguồn gốc kể từ ngày 1/7/2017, sau đó là thịt bò, cá… và các thực phẩm khác. Trong tương lai, hệ thống TE-Food không chỉ truy xuất nguồn gốc mà còn cần phải cảnh báo dịch bệnh, quản lý chuồng trại, xử phạt, cảnh báo những người không đàng hoàng, biểu dương và quảng bá cho những trang trại làm ăn chân chính …
Theo ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Tp.Hồ Chí Minh, phải thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc thì mới bảo vệ được ngành chăn nuôi Việt Nam, vì nhiều nguồn thịt nhập từ nước ngoài rẻ hơn và người dân dễ tin là sạch hơn.
Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại nên bắt buộc phải cho nhập thịt ngoại vào cạnh tranh. Mặt khác, hệ thống TE-Food còn mang những gì chưa rõ ràng ra “ánh sáng” để mọi người cùng nhìn thấy.

Chẳng hạn một người nông dân hay trang trại khi nhập lợn vào siêu thị có “vấn đề” thì lập tức cả chuỗi từ trang trại đến thương lái, lò giết mổ, thú y... sẽ bị báo xấu. Mất lòng tin của người tiêu dùng thì hàng hóa chăn nuôi không có chỗ đứng ở thị trường trong nước. Do đó, việc áp dụng TE-Food còn giúp người chăn nuôi đáp ứng tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe và không chỉ phục vụ trong nước mà còn hướng đến thị trường xuất khẩu.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc áp dụng thuận lợi và được người dân hưởng ứng thì việc áp dụng các công nghệ vào đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Đó là hệ thống nhà mạng chưa ổn định gây khó khăn cho người dân khi tham gia quy trình. Ngoài ra, để khuyến khích người dân tham gia vào chuỗi cung ứng thì phải làm sao để người nông dân thấy được lợi ích, cũng như niềm tin khi sản phẩm của mình được bán ra thị trường và không bị làm cho “méo mó”. Ngoài ra, cũng nên có ứng dụng về đào tạo để hướng dẫn kỹ thuật cho người dân hoặc có thể nên thiết lập kênh đào tạo trực tiếp thông qua những hội nông dân ở tổ, phường, xóm…

>>>Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp - Bài 2:Gỡ "nút thắt" cho sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ

>>>Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp -Bài 1: Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp còn nhiều khó khăn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục