Để dự án nhỏ tại địa phương không "chết yểu”

09:21' - 02/04/2016
BNEWS Nhiều dự án tại các địa phương thành công trong giai đoạn thực hiện khi có sự hỗ trợ ở bên ngoài nhưng không phải dự án nào cũng duy trì và phát triển bền vững sau khi chương trình hỗ trợ kết thúc.

Khuyến nghị chính sách duy trì bền vững của các dự án Hợp tác kỹ thuật Cấp cơ sở của JICA đã chỉ ra nhiều yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả của dự án tại địa phương. Nhận định trên được ông Lê Văn An, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Huế đưa ra khi nói tới vấn đề đảm bảo tính bền vững của dự án quy mô nhỏ.
*Sẻ chia thông tin
Dự án Hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng và cung cấp nước sạch thông qua tăng cường năng lực chính quyền địa phương được thực hiện từ năm 2010 – 2013 giữa hai cơ của quan của Nhật Bản và Việt Nam . Kết quả của dự án cho thấy, năng lực cơ quan hành chính tại địa phương được nâng cao, cơ chế hỗ trợ cộng đồng nhằm cung cấp nước sạch và cải thiện dinh dưỡng tốt hơn.

Dự án địa phương còn thiếu bền vững. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiệu quả ghi nhận bên trên có được là do Cơ quan thực hiện phía Việt Nam và Nhật Bản thường xuyên chia sẻ thông tin về tiến độ Dự án, vấn đề gặp phải nhằm giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh.
Điểm lưu ý, trong các dự án của chương trình đối tác phát triển, các báo cáo về hoạt động hoặc Bảng đánh giá giám sát thường chỉ được soạn thảo bằng Tiếng Nhật. Tuy vậy, trong dự á này, tài liệu được soạn thảo bằng tiếng Anh. Nhờ vậy, các thông tin dự án được chia sẻ đầy đủ với cơ quan thực hiện tại Việt Nam .
Dựa trên thông tin này, cơ quan thực hiện tại Việt Nam đã chủ động dịch sang tiếng Việt và chia sẻ thông tin đầy đủ cho các cơ quan tại địa phương. Nhờ đó, các đơn vị liên quan cơ triển khai hoạt động một cách hiệu quả.
Sau khi dự án kết thúc, cơ quan thực hiện Việt Nam và Nhật Bản cùng phối hợp đưa ra đề xuất cho Dự án giai đoạn tiếp theo. Cách làm này nhằm duy trì bền vững hiệu quả của Dự án tại địa phương và mở rộng hơn nữa. Hiện kế hoạch thực hiện giai đoạn tiếp theo đang triển khai tại địa phương khác.
Ví dụ kể trên chỉ là một trong số hơn 81 dự án đã và đang triển khai thuộc Chương trình Đối tác Phát triển của JICA được thực hiện từ năm 2002.
Theo ông Mori Mutsuya, nguyên Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam , trong số các dự án kết thúc, không ít dự án trở thành mô hình tốt, duy trì và phát triển bền vững những thành quả đã đạt được. JICA tiến hành khảo sát đối với 39 dự án kết thúc (tính đến thời điểm 7/2015), trên cơ sở đó lựa chọn những dự án phát triển bền vững.

Đó là dự án có nội dung hoạt động, kỹ thuật chuyển giao hiệu quả không chỉ trong quá trình thực hiện, thậm chí sau khi dự án kết thúc. Qua điều tra thấy rõ, để dự án duy trì bền vững các bên phải cùng nhau xác định và xây dựng các hoạt động trực tiếp góp phần cải thiện cuộc sống, biên soạn tài liệu hướng dẫn phù hợp với tình hình địa phương.
Cùng quan điểm, ông Lê Quang Ảnh, chuyên gia Kinh tế (cụ thể về các dự án liên quan đến Thủy lợi) cho rằng, là người đã trực tiếp tham gia một số dự án thủy lợi tại địa phương, bản thân ông nhận thấy, vấn đề chia sẻ thông tin dự án là rất cần thiết. Sự chia sẻ thông tin cần ưu tiên thực hiện với những đối tượng được hưởng lợi.

Ông Ảnh lấy ví dụ, ngay như việc chia sẻ thông tin qua sổ tay hướng dẫn của dự án cũng cần thực hiện dễ hiểu để đạt hiệu quả cao nhất. Quy trình hướng dẫn nên sử dụng bằng hình ảnh, bảng biểu, chữ in đậm…để người dân dễ dàng sử dụng. Việc trình bày càng đơn giản càng tốt, nên ít diễn đạt bằng lời. Điển hình, cuốn sổ tay về phòng chống lụt bão của Nhật Bản hầu hết đều sử dụng bằng hình ảnh nên người dân dễ dàng thực hiện.
*Sử dụng nguyên liệu, công nghệ sẵn có
Theo các chuyên gia tham gia trực tiếp vào chương trình dự án quy mô nhỏ tại địa phương, không nên sử dụng nguyên vật liệu bên ngoài mà cần phát huy vật liệu sẵn có tại địa phương để đảm bảo tính bền vững của dự án.
Bởi nếu dự án sử dụng vật tư, trang thiết bị nhập khẩu từ Nhật Bản hoặc các nước khác: vật liệu xây dựng, máy móc các loại, phù tùng, giống cây trồng thì sau khi dự án kết thúc sẽ khó tránh khỏi tình trạng như: không phổ biến và nhân rộng được các kỹ thuật, mô hình.

Ông Mori Mutsuya, nguyên Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Cơ quan thực hiện phía Nhật Bản thường không nắm rõ và thiếu thông tin về các vật tư, trang thiết bị sẵn có tại địa phương. Vì vậy, khi thực hiện dự án cần phải lưu ý hạn chế tối đa sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có mà cơ quan thực hiện Việt Nam hoặc đối tượng hưởng lợi của Dự án có thể mua tại địa phương. Cơ quan thực hiện Việt Nam nên tư vấn cho phía Nhật Bản về những nguyên vật liệu có thể mua được tại địa phương với giá hợp lý sau khi kết thúc Dự án.
Thành công của nhóm hộ trồng nấm xã Hương Phong, xã ven phá Tam Giang, Thừa Thiên Huế đã minh chứng cho nhận định trên. Đây là vùng trồng lúa, rơm rạ người dân thường được đốt ngay trên đồng ruộng nên tạo nhiều khói, bụi gây ô nhiễm môi trường.

Trước thực tế này, một số hộ đã thành lập nhóm, thảo luận với cán bộ của Trung trâm nghiên cứu Khoa học phát triển công nghệ Nông lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm Huế về việc làm cách nào để người dân trồng được nấm.
Theo đó, Trung tâm tổ chức để người dân đi thăm một số cơ sở trồng nấm ở một số địa phương khác. Sau khi về, cử cán bộ và sinh viên đến cùng đến cùng các hộ gia đình để thử sản xuất. Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân khâu sử dụng rơm rạ, cách chăm sóc để nấm hình thành và phát triển.
Một thời gian sau, những sản phẩm nấm đầu tiên được thu hoạch, người dân rất phấn khởi. Nhiều hộ gia đình tiếp xúc sản xuất, vừa làm, vừa trao đổi. Thời gian ngắn sau, một số hộ gia đình đã nắm rõ kỹ thuật sản xuất nấm. Nhờ vậy, thu nhập ngày càng tăng.

Từ nguồn vốn này, hộ gia đình tiếp tục đầu tư, hoàn thiện quy trình sản xuất nấm. Hiện ở Hương Phong, mô hình những hộ gia đình trồng nấm vẫn duy trì nhóm sản xuất để chia sẻ kinh nghiệm. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, rơm, người dân lại cất trữ để làm nấm, không còn tình trạng đốt rơm rạ gây khói, ô nhiễm môi trường.
Theo Tiến Sỹ Ngô Tùng Đức, Trường Đại học Nông Lâm Huế, để duy trì thực hiện thành công dự án nhỏ tại địa phương cần có một sự khảo sát thực địa cẩn thận để xác định được tiềm năng cũng như bất lợi. Từ đó đưa ra phương pháp thực hiện phù hợp như: họp các bên liên quan, thảo luận nhóm, phỏng vấn hộ gia đình…

Thực tế cho thấy, xây dựng hoạt động dựa trên nguồn nhân lực của địa phương và thực hiện mô hình thí điểm quy mô nhỏ với sự tham gia của nông dân tiêu biểu chính là một kinh nghiệm để thực hiện thành công. Bên cạnh đó, việc hiểu thực tế cộng đồng và để cộng đồng tham gia trong quá trình nghiên cứu là cách tiếp cận quan trọng đưa đến sự thành công của dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục