Để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp hiệu quả, bền vững

18:59' - 10/04/2017
BNEWS Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam có 12.027 doanh nghiệp được thành lập mới trong tháng 3/2017, cao nhất trong 6 năm trở lại đây.
Tọa đàm trực tuyến "Để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp hiệu quả, bền vững". Ảnh: chinhphu.vn

Cả nước hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Đây được xem là đối tượng chính để phát triển thêm số lượng doanh nghiệp, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động.

Hộ kinh doanh cá thể muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện về thủ tục hành chính, thời gian chuyển đổi và một số yếu tố khác.

Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn khẳng định, chuyển đổi từ khu vực phi chính thức sang chính thức sẽ giúp hộ kinh doanh nâng cao tính chuyên nghiệp, phát huy được tiềm năng, lợi thế để tăng cường năng suất, hiệu quả hoạt động, qua đó phát triển bền vững.

Sau chuyển đổi, doanh nghiệp và người lao động sẽ được tiếp cận nhiều lợi ích hơn như được hỗ trợ về tín dụng, có cơ sở pháp lý đảm bảo trong việc huy động vốn góp, chế độ phúc lợi được đảm bảo hơn…

Trong bối cảnh hội nhập, muốn hoạt động minh bạch, cần có tổ chức tốt, vì vậy chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp là xu hướng lành mạnh, bài bản để đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp hiện nay còn có nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam, nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển đổi do tâm lý muốn trốn tránh nghĩa vụ thuế, e ngại các thủ tục hành chính, không muốn đầu tư cho khâu sổ sách, kế toán.

Khi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể sẽ phải bổ sung nhân lực, xây dựng hệ thống quản trị… Bên cạnh đó, hệ thống chính sách hiện nay chưa đảm bảo được tính nhất quán.

Các doanh nghiệp mới thành lập và các doanh nghiệp yếu thế ít nhận được sự hỗ trợ toàn diện để gia tăng sức cạnh tranh. Khung pháp lý còn cần phải củng cố để đảm bảo tính xuyên suốt và nhất quán…

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam có 12.027 doanh nghiệp được thành lập mới trong tháng 3/2017, cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Tuy nhiên, tính chung quý I năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới tạm dừng hoạt động trên cả nước là hơn 20.000 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngày 10/4, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến chủ đề “Để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp hiệu quả, bền vững”.

Tọa đàm có sự tham gia của các khách mời: Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Qua trao đổi, các chuyên gia đồng nhất quan điểm: Chuyển đổi thành công là việc khó, nhưng quan trọng hơn là doanh nghiệp phải hoạt động, phát triển hiệu quả, bền vững sau khi chuyển đổi.

Để đạt được điều này, các doanh nghiệp cần tạo nên giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho hàng hóa; sản xuất dựa trên nền tảng áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Các địa phương cần có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục