Đề thi minh họa Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia đảm bảo độ phân hóa cao

16:30' - 26/01/2018
BNEWS Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố đề thi minh họa Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018.
Đề thi minh họa Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia đảm bảo độ phân hóa cao. Ảnh minh họa: Quý Trung - TTXVN

Ngay khi có đề thi tham khảo, nhiều trường Trung học Phổ thông đã cho học sinh thử sức làm đề. Các giáo viên và học sinh đều cho rằng, đề tham khảo vẫn giữ tính ổn định về thời gian, bố cục so với đề thi năm trước. Đây sẽ là điểm thuận lợi để giáo viên, học sinh ôn tập và rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm 2017.
Kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 20- 30%
Điểm khác biệt rõ nét ở đề thi tham khảo năm nay ở tất cả các môn là có thêm kiến thức lớp 11, chiếm khoảng 20 -30%. Điều này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố từ đầu năm học nên giáo viên, học sinh đều không bất ngờ, yên tâm ôn tập. Bên cạnh đó, giáo viên, học sinh lớp 12 ghi nhận: So với năm 2017, độ khó của đề đã tăng lên. Tỷ lệ câu hỏi phân loại thí sinh phân bố đều trong đề và nhiều hơn. Điều này sẽ góp phần hạn chế hiện tượng “mưa” điểm cao như kỳ thi năm 2017.
Nhận xét về đề thi môn Ngữ văn, cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: Về cơ bản, cấu trúc đề thi vẫn giữ nguyên như năm 2017, không có thay đổi về thời gian cũng như phân bố quỹ điểm, chỉ khác là có thêm kiến thức lớp 11 ở câu nghị luận văn học. Đây là dạng đề quen thuộc với học sinh. Nếu người ra đề chọn được vấn đề hay, hấp dẫn sẽ tạo được sự hứng thú cho học sinh.
Cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Tất Thành (Đại học Sư phạm Hà Nội) đánh giá, đề minh họa môn Ngữ văn là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao hơn các năm trước.

Vì vậy, học sinh cần cố gắng rất nhiều mới có thể đạt điểm khá, giỏi. Bên cạnh đó, kiến thức lớp 11 chiếm 30% trong câu nghị luận văn học. Học sinh muốn làm tốt đề này không chỉ nắm vững kiến thức cơ bản, thành thạo kỹ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học mà còn phải tư duy tổng hợp để bài viết chính xác và phong phú.
Đánh giá về đề thi môn Toán, thầy Nguyễn Quốc Chí, giáo viên Hệ thống giáo dục trực tuyến 24.7 chia sẻ: Đề thi minh họa năm nay bao gồm kiến thức sâu và rộng hơn kiến thức năm trước vì bao gồm cả kiến thức lớp 11- 12. Đề thi không chỉ có bài tập vận dụng mà còn nhiều câu hỏi lý thuyết, ứng dụng thực tế.

Nội dung thi được chia đều, hỏi rất chi tiết, sâu sắc với nhiều ý tưởng lẫn kiến thức khác nhau. Đặc biệt, đề thi có những dạng bài mới, chưa từng xuất hiện trong đề thi của những năm trước.
Với môn Vật lý, thầy Phạm Quốc Toản, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Tất Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: Đề gồm 40 câu hỏi chủ yếu nội dung kiến thức lớp 12 (34 câu, chiếm 85%) và một phần nhỏ kiến thức lớp 11 (6 câu, chiếm 15%).

Trong đó, khoảng 60% kiến thức cơ bản và 40% câu hỏi mang tính phân loại. Một số câu hỏi mang tính phân loại cao, khai thác tư duy Vật lý sâu sắc như kiến thức liên quan đến thực tiễn, ứng dụng, câu hỏi khai thác đồ thị. Các câu hỏi phân loại chủ yếu bằng tư duy Vật lý, các câu nặng về mặt toán học không còn xuất hiện trong đề năm nay.
Về môn Sinh học, cô Hồ Thanh Thúy, Trường Trung học Phổ thông Thanh Bình 1 (Đồng Tháp) cho biết: Đề thi tham khảo môn Sinh học gồm 40 câu hỏi, chủ yếu là chương trình sinh học 12. Đây là một đổi mới trong cấu trúc của đề thi năm nay nhằm mở rộng phạm vi kiểm tra đánh giá về kiến thức sinh học đối với học sinh.

Nội dung đề thi mang tính khoa học, chính xác, hoàn toàn nằm trong phần giao nhau của sách giáo khoa cơ bản, sách giáo khoa nâng cao và chương trình giáo dục thường xuyên. Những nội dung giảm tải không được đưa vào trong đề thi, bên cạnh các câu hỏi lý thuyết, câu hỏi bài tập vận dụng, đề thi còn có câu hỏi theo hướng vận dụng thực hành, ví dụ như câu 93.
Các câu hỏi Sinh học thuộc 4 cấp độ khác nhau: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Nhóm câu hỏi vận dụng yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức kỹ năng để giải quyết những vấn đề thực tiễn trong đời sống như tài nguyên thiên nhiên.

Các câu hỏi vận dụng thấp yêu cầu học sinh vận dụng kiến trong một số bài hoặc trong một chương để giải quyết, câu hỏi thuộc vận dụng cao là được thiết kế theo hướng mở, học sinh phải vận dụng kiến thức trong nhiều chương, phải vận dụng nhiều kỹ năng khác nhau để giải quyết. Đối với mỗi câu hỏi, lời dẫn rõ ràng, mạch lạc, các phương án trả lời tường minh, đảm bảo tiêu chí đánh giá năng lực của học sinh, kiểm tra kiến thức kỹ năng toàn diện, khái quát.
Cô Lê Thị Thu, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Tất Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) nhận định về đề thi minh họa môn Lịch sử năm nay được xây dựng theo ma trận đề hợp lý, bám sát chương trình học và các mức độ nhận thức. Nội dung cơ bản được trải đều trong các chủ đề lịch sử, xoáy vào những vấn đề trọng tâm nhất. Kiến thức lớp 11 tương đối cơ bản, nếu học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản sẽ giải quyết dễ dàng.
Học sinh cần có kế hoạch ôn tập khoa học, hợp lý
Việc đưa kiến thức lớp 11 vào đề thi năm nay, tuy với số lượng không nhiều nhưng học sinh lớp 12 vẫn bày tỏ lo lắng, vì khối lượng kiến thức trải rộng, học sinh sẽ phải ôn tập kỹ lưỡng hơn để có thể đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới.
Em Nguyễn Minh Lý, học sinh Trường Trung học Phổ thông Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ: Đề tham khảo có khá nhiều câu phân loại học sinh. Tuy nhiên, những nội dung này vẫn nằm trong chương trình được thầy cô ôn tập nên cũng không phải là trở ngại lớn. Với các câu hỏi nằm trong phần kiến thức lớp 11, chúng em vẫn cần đầu tư nhiều thời gian để ôn tập lại.
Em Lê Hương Uyên, học sinh Trường Trung học Phổ thông Việt Đức (Hà Nội) cũng cho biết không bị bất ngờ về nội dung kiến thức lớp 11 trong đề thi minh họa vì đã được thông báo từ đầu năm học. Mặc dù vậy, em vẫn không khỏi lo lắng vì khối lượng kiến thức ôn tập khá lớn và đề thi năm nay có mức độ khó tăng lên so với năm trước.
Lưu ý về việc ôn tập của học sinh, cô Lê Thị Thu, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Tất Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: Năm 2018 là năm đầu tiên trong nội dung thi bao gồm cả chương trình lớp 11 và 12. Rất nhiều học sinh đang lo lắng chưa biết đề thi chính thức có khó không, nội dung thi được đặt trọng tâm vào phần kiến thức như thế nào.

Đề thi minh họa lần này đã giúp các em bớt hoang mang và đề ra chiến thuật ôn thi khoa học, hợp lý nhất. Các em học sinh cần phân bổ thời gian ôn tập khoa học hơn, nhất là những vấn đề trọng tâm và khó, cần lập bảng biểu, vẽ sơ đồ tư duy, vẽ sơ đồ tiến trình lịch sử.
Các thầy cô giáo cũng cho rằng: Phần quan trọng không kém là học sinh cần phân bố thời gian hợp lý để làm bài. Thời gian luôn tỷ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số từng câu. Với môn Ngữ văn, phần đọc hiểu cần dành 20 phút để làm; câu 1 phần làm văn cần dùng 20 phút và còn lại câu nghị luận văn học nền dành cho 80 phút. Phân bố thời gian hợp lý cũng là một trong những bí quyết để làm bài tốt.
Theo thầy Nguyễn Quốc Chí, giáo viên Hệ thống giáo dục trực tuyến 24.7 để có thể làm bài tốt, học sinh cần nắm vững kiến thức cả lớp 11 và 12 nhưng phần lớn vẫn là kiến thức lớp 12. Học sinh muốn giành điểm cao cần tập trung suy nghĩ cho những câu vận dụng cao. Điều quan trọng là các em phải giữ được bình tĩnh, suy nghĩ sáng suốt khi làm bài, không được để bản thân quá áp lực dẫn đến việc làm bài không tốt.
Như vậy, sau khi đề thi minh họa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, các thầy cô giáo và học sinh lớp 12 trên cả nước đã có được hướng ôn tập sát với nội dung thi và lựa chọn phân bố thời gian ôn tập cho hiệu quả. Đây là cơ sở quan trọng để chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho các sĩ tử tham gia Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018./.

>>> Công bố đề thi minh họa kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục