Đề xuất 7 đề án liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên

12:51' - 17/10/2017
BNEWS Có ý kiến đề xuất 7 lĩnh vực mà các địa phương trong đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên” có thể tiến hành liên kết.

Ngày 17/10, tại thành phố Cần Thơ, Ban điều hành đề án Liên kết tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên tổ chức cuộc họp lấy ý kiến xây dựng đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên”.

Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo 4 tỉnh tham gia đề án là An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Hậu Giang.

Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, hiện đề án đã có kế hoạch tổng thể, tiếp theo cần có các bước cụ thể để rút ngắn thời gian triển khai. Theo ông Thi, UBND các tỉnh tham gia đề án đã thống nhất cùng đóng góp kinh phí thực hiện.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập, tư vấn chính của đề án, các tỉnh thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên có liên quan chặt chẽ với nhau về môi trường, kinh tế xã hội.

Do đó, liên kết vùng sẽ giúp phân công vai trò giữa các địa phương một cách hiệu quả hơn, tránh việc cạnh tranh không cần thiết; giúp bố trí không gian phát triển hợp lý, hài hòa hơn cho toàn vùng, tránh chồng chéo, mâu thuẫn về tự nhiên và kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, nếu để các địa phương phát triển riêng lẻ sẽ không cộng lực được và kém hiệu quả hơn khi liên kết lại. Khi đó, việc liên kết sẽ giúp giải quyết những vấn đề chung, vượt ngoài ranh giới hành chính của từng tỉnh.

Trong phần trình bày của mình tại cuộc họp, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện đề xuất 7 lĩnh vực mà các địa phương trong đề án có thể tiến hành liên kết.

Cụ thể, thứ nhất là liên kết về quy hoạch, kế hoạch (bố trí không gian phát triển).

Thứ hai là liên kết về sản xuất, xúc tiến thương mại nông nghiệp, thủy sản. Thứ ba là liên kết về phát triển du lịch.

Thứ tư là liên kết về quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường, đáp ứng đa mục tiêu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ năm là liên kết thu hút đầu tư. Thứ sáu là liên kết thiết lập hệ thống thông tin vùng và thứ bảy là liên kết xây dựng thể chế chính sách cho tiểu vùng.

Nhận xét đây là chuyển đổi lớn, đúng thời điểm và rất mới mẻ, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, việc liên kết sẽ có khó khăn do đó cần phải có sự cam kết lâu dài giữa các tỉnh, thành tham gia.

Cùng với việc phải tiến hành các bước hoàn toàn mới thì việc thiếu nguồn lực là thách thức mà các tỉnh cần phải vượt qua.

Quan trọng nhất, theo ông Thiện, kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua đã mở ra một bức tranh tươi sáng cho tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long.

"Việc cần làm lúc này là các tỉnh cần cam kết đi theo hướng mà Thủ tướng đã chỉ đạo và quyết tâm thực hiện đến cùng" ông Nguyễn Hữu Thiện nói.

Vùng Tứ giác Long Xuyên có tổng diện tích khoảng 500.000 ha, là khu vực sản xuất nông nghiệp quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Thế mạnh của Tứ giác Long Xuyên là lúa gạo, cá với tổng sản lượng lúa gạo hàng năm khoảng 5 triệu tấn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, khu vực này đã chịu nhiều tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng…

Bên cạnh đó, việc các nước thượng nguồn sông Mê Kông xây dựng các công trình thủy điện bất hợp lý đã dẫn đến suy giảm cả về lưu lượng và chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong vùng.

Đồng thời, khu vực này còn đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm trữ lượng nước ngầm và sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức.

Do đó, việc triển khai đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên là cần thiết, nhằm đảm bảo quản lý thống nhất, hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của toàn vùng và từng địa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục