Đề xuất buộc tiêu hủy vật nuôi khi phát hiện có sử dụng chất cấm

20:52' - 25/12/2015
BNEWS UBND Tp.Hồ Chí Minh có công văn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ nên áp dụng hình thức xử lý buộc tiêu hủy đối với các trường hợp phát hiện gia súc, gia cầm có sử dụng chất cấm.
Buộc tiêu hủy đối với các trường hợp phát hiện gia súc, gia cầm có sử dụng chất cấm. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

UBND Tp.Hồ Chí Minh vừa có công văn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ nên áp dụng hình thức xử lý buộc tiêu hủy đối với các trường hợp phát hiện gia súc, gia cầm có sử dụng chất cấm, thay vì có cả quy định tạm giữ vật nuôi trong 3 đến 15 ngày như hiện nay.

Cụ thể, tại điểm b, khoản 3, Điều 7 của Thông tư 57 ngày 07/11/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi nêu rõ, đối với cơ sở giết mổ khi phát hiện gia súc, gia cầm có sử dụng chất cấm thì áp dụng với hình thức “buộc tiêu hủy toàn bộ gia súc, gia cầm hoặc buộc cơ sở giết mổ tiếp tục nuôi nhốt các loại vật nuôi vi phạm với điều kiện phải đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y đến khi có kết quả kiểm tra âm tính với các chất cấm mới được giết mổ và đưa ra thị trường tiêu thụ, với thời gian nuôi nhốt có thể kéo dài từ 3 đến 15 ngày”.

Tuy nhiên, việc lưu trữ gia súc sau khi có kết quả xét nghiệm định tính để chờ kết quả phân tích định lượng đã gặp nhiều bất cập.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y Tp.Hồ Chí Minh cho biết, khi bị phát hiện có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, người vi phạm đều chọn giải pháp giữ lại. Điều này đã phát sinh một số tình huống mới. Chẳng hạn như vừa qua, Chi cục Thú y thành phố phát hiện lô heo vi phạm tại lò giết mổ nên giữ lại cách ly.

Tuy nhiên, sau đó đã xảy ra bệnh lở mồm long móng, làm lây lan chéo toàn bộ đàn heo. Do đó, các chủ cơ sở giết mổ không đồng ý cho giữ lại khi phát hiện có chất cấm, điều này gây khó khăn cho nhân viên thú y khi thực hiện việc kiểm tra, giám sát.

Mặt khác, theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh, việc thực hiện Thông tư 57 tại thành phố trong thời gian qua đã bộc lộ một số những hạn chế, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Đã có tình trạng chủ cơ sở giết mổ, chủ nguồn gia súc né tránh thời gian kiểm dịch lâm sàng, không hợp tác với cơ quan thú y chăm sóc, bảo quản gia súc trong khi chờ kết quả xét nghiệm định lượng hoặc từ chối trách nhiệm lô hàng.

Tại Tp.Hồ Chí Minh, trong 11 tháng đầu năm 2015, các cơ quan chức năng thành phố chỉ phát hiện một cơ sở chăn nuôi có sử dụng chất cấm; không phát hiện trường hợp sử dụng chất cấm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Riêng đối với nguồn gia súc và sản phẩm động vật của các tỉnh đưa về Thành phố giết mổ và tiêu thụ, vẫn còn tình trạng sử dụng chất cấm.

Đối với các trường hợp này, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, Chi cục Thú y thành phố đã kịp thời thông báo đến Chi cục Thú y các tỉnh có liên quan nhằm tăng cường phối hợp kiểm tra tại các cơ sở chăn nuôi trước khi xuất về Tp. Hồ Chí Minh giết mổ và tiêu thụ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục