Đề xuất các giải pháp chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam

11:48' - 03/10/2017
BNEWS Đừng ngại cạnh tranh, đừng lo lắng quá nhiều về cạnh tranh, chính sách phải làm cho nhiều sự cạnh tranh. Tuy nhiên, cạnh tranh phải công bằng. Từ đó, mới tạo ra động lực để tạo ra sự phát triển.

Thảo luận về chính sách cạnh tranh quốc gia.

Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN


Sáng 3/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn “ Chính sách cạnh tranh quốc gia”. Diễn đàn là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, hoạch định chính sách và các doanh nghiệp thảo luận, phân tích thực trạng cạnh tranh, chính sách cạnh tranh hiện nay và đề xuất các giải pháp chính sách nhằm nâng cao mức độ phát triển thị trường, mức độ cạnh tranh, góp phần nâng cao năng suất và vị thế năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, cạnh tranh càng lớn thì càng thể hiện cấp độ phát triển của thị trường, cạnh tranh là động lực của tất cả mọi người tham gia. Cạnh tranh là động lực để giúp cho nền kinh tế ngày càng hiệu quả hơn, tạo lập nền kinh tế năng động, phát triển tốt.

“ Đừng ngại cạnh tranh, đừng lo lắng quá nhiều về cạnh tranh, chính sách phải làm cho nhiều sự cạnh tranh. Tuy nhiên, cạnh tranh phải công bằng. Từ đó, mới tạo ra động lực để tạo ra sự phát triển”, TS Cung nhấn mạnh.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, Luật Cạnh tranh 2005 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh mối quan hệ cạnh tranh giữa các chủ thể hoạt động kinh doanh trên thị trường. Luật này là hành lang pháp lý quan trọng giúp tạo lập và duy trì môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh. Từ đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước, phân bổ hiệu quả các nguồn lực xã hội và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.

Trong 12 năm thực thi, Bộ Công Thương đã chủ động tiến hành hoạt động điều tra tiến tố tụng đối với nhiều ngành, lĩnh vực có tính chất quan trọng, nhạy cảm trong nền kinh tế nhằm tăng cường khả năng phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh. Tính đến năm 2016, đã có tổng số 87 cuộc điều tra tiền tố tụng được thực hiện.

Mặc dù, một số vụ việc cạnh tranh được điều tra và xử lý còn khiêm tốn nhưng xét trong bối cảnh các cơ quan cạnh tranh Việt Nam còn non trẻ với nguồn lực hạn chế và Luật Cạnh tranh được thực thi chưa đủ để có thể đi sâu vào đời sống xã hội.

Ông Trịnh Anh Tuấn cho biết, trong quá trình thực hiện, Luật Cạnh tranh 2005 còn nhiều điểm bất cập cần được sửa đổi, bổ sung. Bộ Công Thương đang hoàn thiện xây dựng Luật Cạnh tranh sửa đổi. Mục đích của Luật Cạnh tranh sửa đổi lần này là tạo hành lang pháp lý để điều tra và xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh dù xảy ra tại đâu nhưng có tác động hoặc có khả năng gây tác động tiêu cực đối với thị trường Việt Nam.

Việc xử lý kịp thời các hành vi xuyên biên giới góp phần tạo sự ổn định cho nền kinh tế nội địa thông qua việc ổn định các yếu tố đầu vào, yếu tố đầu ra của nền kinh tế. Điều này đặc biệt quan trọng đối với thị trường các lĩnh vực thiết yếu, lĩnh vực chủ chốt hoặc lĩnh vực phục vụ dân sinh của nền kinh tế.

TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cũng cho rằng, vai trò phản biện chính sách cạnh tranh của cơ quan cạnh tranh gần như chưa có trong dự thảo Luật Cạnh tranh. Do đó, cần phải bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ này cho cơ quan cạnh tranh để đảm bảo  kiểm soát được quy định cản trở cạnh tranh hoặc làm méo mó cạnh tranh.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách điều kiện kinh doanh, phải hành động thực chất, quyết liệt. Bên cạnh đó, cần giám sát, xử lý bộ, ngành cơ quan Nhà nước không bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đã yêu cầu; giám sát việc sinh thêm giấy phép mới; tăng cường vai trò rà soát, phản biện của các cơ quan độc lập như CIEM, các hiệp hội như VCCI.

“ Cần nhất quán tư tưởng chính sách về vị trí và vai trò của doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam; giảm tỷ trọng ảnh hưởng của khu vực doanh nghiệp Nhà nước; phân loại doanh nghiệp Nhà nước tương ứng hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu và quản lý; hoàn thiện thể chế cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời, phát triển thị trường tài chính để mở rộng khả năng cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp; cần giám sát, ,giải trình và minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước”, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi đang được Bộ Công Thương hoàn thiện và sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XIV ( tháng 10/2017)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục