Đề xuất chống gian lận thuế của EU sẽ ảnh hưởng tới khoảng 6.000 doanh nghiệp

15:43' - 13/04/2016
BNEWS Các biện pháp chống tình trạng gian lận thuế của các tập đoàn đa quốc gia đã được Ủy ban châu Âu (EC) trình Nghị viện châu Âu (EP) tại Strasbourg, Pháp trong ngày 12/4.
Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ Pierre Moscovici. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" đang tiếp tục gây chấn động thế giới, các quốc gia phương Tây đã phải tăng cường biện pháp chống nạn trốn và gian lận thuế vốn đang gây thiệt hại hàng tỷ USD cho ngân sách nhà nước mỗi năm.

EC đã chỉ đạo các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) phải công bố số liệu kế toán và thuế của các tập đoàn đa quốc gia, cũng như doanh số, lợi nhuận, ngưỡng trần tính tiền thuế mà tập đoàn đa quốc gia phải nộp ở mỗi nước thành viên.

Các biện pháp này được hai Ủy viên châu Âu là Pierre Moscovici, người phụ trách vấn đề thuế, và người đồng nhiệm đặc trách bình ổn tài chính Jonathan Hill chuẩn bị từ lâu để ngăn chặn các tập đoàn lớn đặt trụ sở và khai thuế ở nước thành viên áp mức thuế "nhẹ" nhất.

Hồi tuần trước, ông Pierre Moscovici đã bày tỏ sự phẫn nộ về các hành vi trốn thuế theo thông tin bị phanh phui trong vụ "Hồ sơ Panama", coi đây là một "tệ nạn" của thế giới.

Theo các biện pháp mới mà EC đề xuất, tập đoàn đa quốc gia hoạt động kinh doanh tại EU, bất kể đến từ quốc gia nào, nếu doanh thu toàn cầu trên mức 750 triệu euro (850 triệu USD), sẽ phải công bố các thông tin về doanh số, kế toán và tỷ lệ đóng thuế tại mỗi nước thành viên EU cũng như ngoài khu vực này.

Tất cả những thông số này sẽ được các cơ quan thuế của các nước thành viên EU chia sẻ cho nhau một cách tự động.

Theo Ủy ban châu Âu, khoảng hơn 6.000 doanh nghiệp sẽ chịu tác động của các quy định về thuế mới, tuy nhiên nhiều nhà lập pháp khác ước tính chỉ khoảng gần 2.000 doanh nghiệp đa quốc gia chịu ảnh hưởng. Liên minh châu Âu ước tính hàng năm khu vực này thất thu khoảng 80 tỷ USD bởi hành động trốn thuế.

Trong khi đó, hàng loạt công ty đa quốc gia như Amazon, Google, Facebook, Coca-Cola…sắp tới sẽ phải ra trước Nghị viện châu Âu để trình bày ý kiến của họ về các đề xuất mới nói trên của EC.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục