Đề xuất cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu tại Việt Nam

12:35' - 14/06/2017
BNEWS Sáng 14/6, tại Hà Nội, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo quốc tế Cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu tại Việt Nam.


Hội thảo "Cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu tại Việt Nam". Tác giả: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Đây là cơ hội tốt để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng chia sẻ thông tin, trao đổi, tìm ra cơ chế, mô hình giải quyết kiến nghị trong đấu thầu tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kiến nghị và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu là một nhu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Ở bất cứ quốc gia hay tổ chức quốc tế nào khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thì đều có cơ chế về kiến nghị và kiến nghị trong đấu thầu.
Mặc dù về tổng thể, Luật Đấu thầu 43/2013 đã có những tiến bộ đáng kể, nhưng qua thực tiễn vận hành cần tiếp tục cập nhật, nghiên cứu những vấn đề mới phát sinh hoặc còn tồn tại để tiếp tục hoàn thiện nhằm đạt được hiệu lực, hiệu quả cao nhất theo tinh thần xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, cùng với việc hội nhập sâu rộng thì đấu thầu ở Việt Nam ngày càng phong phú; trong đó, có lĩnh vực mua sắm công. Trong bối cảnh đó, cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu đã bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà thầu trong nước và nước ngoài. Do đó, cần đổi mới dần dần để phù hợp với thực tế.
Thứ trưởng Đào Quang Thu hy vọng, với kinh nghiệm của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ góp ý kiến làm rõ những hạn chế trong giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu của Việt Nam.

Trên cơ sở những ý kiến này, sẽ làm cơ sở để nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi những quy định trong cơ chế đấu thầu cho phù hợp và góp phần hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, mua sắm công chiếm 15-20% GDP của các quốc gia trên toàn thế giới và là một lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi tiêu của Chính phủ hàng năm.
Ở Việt Nam chi tiêu bình quân so với GDP đã tăng từ mức 28,5%, giai đoạn 2001-2005 lên 29,73% giai đoạn 2006-2010. Giai đoạn 2011-2013, thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, mức chi ngân sách so với GDP tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao 28,15%, qua đó, có thể thấy quy mô chi tiêu Chính phủ ở Việt Nam hiện đang khá cao.
Do vậy, việc chi tiêu, sử dụng nguồn vốn này như thế nào cho hợp lý là điều mà Chính phủ và các nhà làm luật quan tâm hàng đầu. Bên cạnh đó, đấu thầu, mua sắm công được đánh giá là hình thức tiết kiệm và minh bạch nhất cho việc chi tiêu Chính phủ nói chung bởi bên mời thầu có thể đánh giá và lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ với chất lượng tốt và giá cả hợp lý.
Để tối đa hóa hiệu quả kinh tế đạt được từ hoạt động đấu thầu, ông Lê Văn Tăng đề xuất, phải độc lập về tổ chức với các bên có liên quan trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu; tiếp nhận kiến nghị trực tiếp từ nhà thầu, xem xét, giải quyết kiến nghị nhanh gọn, không cần đi qua các khâu trung gian, không bắt buộc phải thành lập hội đồng tư vấn mỗi khi có kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, một số quy định trong đấu thầu còn chưa thống nhất, chưa rõ ràng, không khả thi và chưa thực sự hiệu quả… Do đó, Việt Nam cần rà soát và hoàn thiện các quy định bất cập, hạn chế; đồng thời, sớm nghiên cứu và thành lập cơ quan hành chính độc lập giải quyết kiến nghị trong đấu thầu.
Chia sẻ kinh nghiệm, GS, Daniel I.Gordon, Tư vấn cấp cao, Trường Đại học Luật George Washington cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm giải trình của các cán bộ đấu thầu và các cơ quan Chính phủ; thúc đẩy tính minh bạch trong hoạt động của hệ thống đấu thầu; tránh các chi phí và chậm chễ không cần thiết cũng như gây gián đoạn đối với công tác đấu thầu trong suốt quá trình kiến nghị.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, nhiều nước trên thế giới và tổ chức quốc tế đã áp dụng mô hình cơ quan giải quyết kiến nghị độc lập, cơ chế này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đấu thầu của Việt Nam; đồng thời, góp phần đưa Luật Đấu thầu của Việt Nam vào cuộc sống, nâng cao tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục