Đề xuất giải pháp toàn diện về xử lý nợ xấu

22:01' - 23/05/2017
BNEWS Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến thời điểm tháng 1/2017, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 616.700 tỷ đồng nợ xấu.
Đề xuất giải pháp toàn diện về xử lý nợ xấu. Ảnh: TTXVN
Hội thảo “Xử lý nợ xấu – Từ góc độ chính sách và pháp luật” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 23/5, tại Hà Nội đã nhận được rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội trên tinh thần phân tích tìm ra nguyên nhân của nợ xấu từ đó đề xuất các giải pháp toàn diện xử lý vấn đề này.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến thời điểm tháng 1/2017, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 616.700 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý nợ xấu tăng dần từng năm từ năm 2012 xử lý được 74.680 tỷ đồng đã tăng lên 118.490 tỷ đồng năm 2016. Riêng trong tháng 1/2017 số nợ xấu xử lý được là 5.140 tỷ đồng.
Cụ thể, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 349.700 tỷ đồng, chiếm 56,7% tổng số nợ xấu, còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác chiếm 43,3%. Nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 2/2017 ở mức 2,56% tổng dư nợ tín dụng.
Đối với nợ thu hồi qua Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) từ 2013 đến 31/3/2017 đã xử lý được khoảng 53.236 tỷ đồng. Trong tổng số nợ xử lý thì hình thức bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ ở mức khá thấp, chỉ 17.100 tỷ đồng, chiếm 2,8% tổng nợ xấu được xử lý. Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ xấu đến nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, đặc biệt quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản đảm bảo (TSĐB) để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả việc xử lý xấu.
Nhiều quy định của pháp luật được cho là chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD/VAMC, cản trở việc tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ xấu như việc mua bán khoản nợ xấu có TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất…; Các quy định của pháp luật về xử lý TSĐB không bảo đảm quyền xử lý TSBĐ của bên nhận bảo đảm như về quyền thu giữ tài sản; Thời gian xử lý nợ, TSĐB qua toà án không hiệu quả, thời gian giải quyết khoảng 400 ngày, nhưng thực tế khoảng 2 năm, chi phí chiếm khoảng 29% giá trị đòi nợ…
Theo các đại biểu tham dự hội thảo, việc không cho phép thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của TCTD sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng thu hồi nợ. Điều này sẽ kéo theo ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản, khả năng chi trả các khoản tiền gửi đến hạn đã huy động để cho vay trước đây.
Như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi đa số của người gửi tiền, tiềm ẩn rủi ro gây mất an toàn hệ thống TCTD, an toàn trật tự xã hội.
Do vậy, việc cho phép TCTD được quyền thu giữ TSBĐ là biện pháp quan trọng để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.
Đại diện NHNN cho rằng, việc không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém có thể dẫn tới một số hệ lụy. Chính phủ, NHNN sẽ không có đầy đủ thẩm quyền theo luật định để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, cũng như xử lý pháp nhân đối với tổ chức tín dụng này. Do vậy, sẽ gia tăng rủi ro cho hệ thống TCTD và nền kinh tế.
TS. Nguyễn Đức Kiên -Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Uỷ ban Kinh tế đã nhất trí về sự cần thiết sớm ban hành về Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV và kỳ vọng được thông qua ngay trong kỳ họp này.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, dự thảo Nghị quyết được xây dựng có một số điểm mới so với quy định hiện hành. Điểm mới đầu tiên trong Nghị quyết này là có thời điểm bắt đầu cũng như thời điểm kết thúc. Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 và có thể kết thúc vào ngày 1/7/2022, tuỳ theo Quốc hội quyết định.
Điểm mới tiếp theo dự thảo Nghị quyết thể hiện rõ thể chế kinh tế thị trường, không phân biệt ngân hàng Nhà nước hay ngân hàng tư nhân…
Điểm mới nữa là xử lý TSBĐ của nợ xấu được hệ thống hoá lại theo một quy trình rút gọn. Trong đó, các quy định đều đảm bảo được tính hợp hiến, hợp pháp của nghị quyết, tôn trọng quyền của chủ nợ, tôn trọng và yêu cầu đối tượng nợ phải có trách nhiệm với cam kết của mình theo pháp luật dân sự hiện hành nhưng đồng thời vẫn đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Theo ông Kiên, với dự thảo Nghị quyết này, quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tuân thủ các nguyên tắc là không sử dụng ngân sách Nhà nước, phải giới hạn thời gian hoàn thành không để kéo dài dễ tạo tâm lý ỷ lại của các TCTD, phải đảm bảo quy luật thị trường. Đặc biệt là không loại trừ trách nhiệm hình sự với những cá nhân sai phạm. “Và nếu Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp Quốc hội này thì sẽ có hiệu lực ngay từ 1/7/2017 chứ không nhất thiết phải theo trình tự 6 tháng”, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết.
Đại diện cho tiếng nói của TCTD, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) kiến nghị, cơ quan tòa án cần có thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo và xử lý tài sản đảm bảo, đồng thời quy định cụ thể về trách nhiệm của Toà án giải quyết đúng hạn như quy định tại Bộ Luật tố tụng dân sự hiện hành. Vietcombank cũng đề nghị các cơ quan công an tích cực hỗ trợ các TCTD trong xác minh địa chỉ bị đơn, trong thu thập chứng cứ, hồ sơ tài liệu để tiến hành khởi kiện, đồng thời hỗ trợ các TCTD giải quyết các trường hợp khách hàng vay sau đó cố tinh lẩn trốn liên tục thay đổi địa chỉ nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ mà cơ quan tòa án không thụ lý để giải quyết vụ án.
Tại hội thảo các đại biểu cho rằng, việc ban hành một văn bản chuyên ngành để xử lý nợ xấu dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội là cần thiết, phù hợp. Điều này nhằm thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và cần thực hiện ngay để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục