Đề xuất nối tuyến metro TP. Hồ Chí Minh đến Đồng Nai, Bình Dương

18:15' - 10/11/2016
BNEWS UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét kéo dài tuyến metro số 1 của TP.Hồ Chí Minh thêm 4,7 km đến ngã tư Vũng Tàu (TP. Biên Hòa).

Sơ đồ tuyến metro số 1 TP. Hồ Chí Minh nối dài đến Đồng Nai và Bình Dương. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Tuyến đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh (metro số 1) khi được kết nối với các đô thị vệ tinh như Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương) sẽ là tuyến giao thông huyết mạch của khu vực, góp phần giảm tải áp lực kẹt xe và giúp người dân lưu thông thuận tiện hơn.

Tuyến metro TP. Hồ Chí Minh đang được thi công từ ga Bến Thành đến ga cuối Suối Tiên có chiều dài 19 km; trong đó có 16,4 km là cầu cạn và 2,4 km ngầm dưới lòng đất. Dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản, dự kiến đến tháng 11/2020 dự án metro sẽ đưa vào vận hành thương mại.

Kéo dài tuyến metro đến Đồng Nai để giảm ùn tắc giao thông

Để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét kéo dài tuyến metro số 1 của TP.Hồ Chí Minh thêm 4,7 km đến ngã tư Vũng Tàu (TP. Biên Hòa) nhằm giảm lượng xe cá nhân vào thành phố và ùn tắc ở cửa ngõ phía Đông TP.Hồ Chí Minh.

Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, đề xuất của Đồng Nai dựa trên quy hoạch điều chỉnh phát triển giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Theo đó, 8 tuyến metro của TP.Hồ Chí Minh sẽ kết nối với các đô thị vệ tinh trong vùng như: Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tân An...; trong đó, có việc nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến metro số 1 dọc theo trục Quốc lộ 1A từ Suối Tiên đến Amata (TP Biên Hòa).

Theo thống kê, hiện nay TP. Biên Hòa có trên 1 triệu dân. Ngoài ra TP. Biên Hòa có nhiều khu công nghiệp như Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Amata, Loteco với hàng trăm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các chuyên gia nước ngoài phần lớn hàng ngày đến Đồng Nai làm việc nhưng sau đó lại về TP. Hồ Chí Minh cư trú. Do đó, tiềm năng vận chuyển khách của tuyến metro kéo dài là rất lớn.

Thêm 2 km để kết nối giao thông toàn vùng

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai ngày 10/11, nhóm nghiên cứu tuyến metro số 1 TP. Hồ Chí Minh kéo dài, cho biết, đơn vị này đang nghiên cứu nối dài thêm 1 tuyến chuyển giao và 2 tuyến kết nối. Theo đó, tuyến metro số 1 TP. Hồ Chí Minh từ Bến Thành là ga đầu đến ga cuối là Suối Tiên (thuộc quận 9, TP Hồ Chí Minh).

Nay theo đề xuất của 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương và được sự đồng ý về chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải, nhóm nghiên cứu tuyến metro số 1 đang đề xuất nối tuyến dài thêm 2 km đến nút giao ranh giới giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.

Nút giao này có thể đặt tại khu vực thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) hoặc khu vực ngã ba Tân Vạn (giáp ranh giữa Đồng Nai và Bình Dương). Từ nhà ga chuyển giao này sẽ nối thêm hai tuyến kết nối đến ngã tư Vũng Tàu (TP Biên Hòa, Đồng Nai) và thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương).

Ông Koichi Tanuma, kỹ sư trưởng, trưởng nhóm nghiên cứu tuyến metro số 1 thuyết trình các phương án nối dài tuyến metro đến Đồng Nai, Bình Dương. Ảnh: Sỹ Tuyên – TTXVN

Ông Koichi Tanuma, kỹ sư trưởng, trưởng nhóm nghiên cứu tuyến metro số 1 TP. Hồ Chí Minh kéo dài cho biết, đơn vị tư vấn đang khảo sát hướng tuyến metro kéo dài tại điểm giao thuộc địa bàn thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương với chiều dài 2 km. Sở dĩ đơn vị chọn địa điểm này vì đây là khu vực giao nhau với tuyến cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn.

Khu vực này có không gian rộng để xây dựng nhà ga và có thể phát triển thành khu thương mại dịch vụ và trung tâm vận tải đa phương thức của khu vực. Từ nút giao này, đối với Đồng Nai sẽ xây dựng thêm một tuyến kết nối đến khu vực ngã tư Vũng Tàu. Riêng tỉnh Bình Dương có thể kết nối thẳng với tuyến cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn để đi TP. Hồ Chí Minh.

Theo ông Koichi Tanuma, nhóm nghiên cứu tuyến metro số 1 nối dài đã tính toán thời gian thi công nút giao từ nhà ga Suối Tiên đến Dĩ An (Bình Dương) mất khoảng 3 năm. Nếu năm 2019 bắt đầu triển khai thì tuyến này sẽ hoàn thành vào năm 2021.

Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất đơn vị tư vấn có thể bổ sung nghiên cứu thêm phương án xây dựng hướng tuyến dọc theo Quốc lộ 1A từ Suối Tiên đến Tân Vạn. Tại nút giao Tân Vạn sẽ xây dựng nhà ga chuyển giao, sau đó kết nối với điểm cuối tại ngã tư Vũng Tàu (TP Biên Hòa).

Ông Vĩnh cho biết, hiện nay khu vực ngã tư Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai đang triển khai di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 với diện tích trên 330ha đến một địa điểm khác. Khu vực này tương lai sẽ là trung tâm thương mại, dịch vụ hiện đại của cả khu vực.

Khu vực ngã tư Vũng Tàu là đầu mối giao thông của các tuyến huyết mạch như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51, tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Ngoài ra, hiện nay dự án cầu An Hảo đang thi công xây dựng. Tuyến này sẽ kết nối với Quốc lộ 1K đi Bình Dương và sân bay Tân Sơn Nhất. Do đó, ông Vĩnh cho rằng, tuyến metro kéo dài đến khu vực ngã tư Vũng Tàu sẽ giúp kết nối giao thông đến toàn khu vực Đồng Nai – Bình Dương – TP. Hồ Chí Minh.

Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Đồng Nai và nhóm nghiên cứu tuyến metro số 1 TP. Hồ Chí Minh nối dài cũng đã thống nhất đến giữa tháng 12/2016 sẽ chốt phương án hướng tuyến và nhà ga chuyển giao để thực hiện các bước tiếp theo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục