Dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa xe máy: Không dễ “chọn mặt gửi vàng”

20:19' - 14/01/2017
BNEWS Việc các cửa hàng sửa chữa xe máy “mọc lên như nấm” tại Hà Nội đang khiến khách hàng rơi vào “mê trận”.
Trung tâm bảo hành – bảo dưỡng – sửa chữa xe máy Việt Nhật Motor 180 Xã Đàn, Hà Nội. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Vào dịp cuối năm, nhu cầu sửa chữa và bảo dưỡng xe máy tăng mạnh, bởi mọi người đều mong muốn chiếc xe của mình vận hành trong năm mới được an toàn và suôn sẻ hơn. Tuy nhiên, trước việc các cửa hàng sửa chữa xe máy “mọc lên như nấm” tại Hà Nội đang khiến khách hàng rơi vào “mê trận”, thậm chí đã có nhiều người lâm vào tình cảnh “tiền mất, tật mang” do một số cửa hàng thiếu cả “tâm” lẫn “tầm”.
Thông thường, sau khi hết thời gian bảo hành của nhà sản xuất, những người có điều kiện sẽ sửa chữa xe máy ở đại lý chính hãng, nhưng cũng không ít người lại tìm đến các cửa hàng, cơ sở sửa chữa xe gần nhà và ngoài hệ thống chính hãng để tiết giảm chi phí.
Theo anh Chí Trung ở quận Đống Đa, Hà Nội, mặc dù nhiều cửa hàng mọc lên khắp đường phố, nhưng không phải cửa hàng, cơ sở sửa chữa xe máy nào cũng có đội ngũ thợ tay nghề cao, “trị” được các “bệnh” của xe hay thợ sửa xe tận tâm với nghề, không làm ăn gian dối.
Có rất nhiều cửa hàng, cơ sở sửa chữa xe sau khi kiểm tra xe của khách sẽ liệt kê những bộ phận, chi tiết hỏng hóc cần làm. Khi khách đồng ý là cửa hàng mời ra ngoài uống nước chờ đợi cho thợ đỡ vướng bận hay thậm chí có người lại phó mặc cho cửa hàng sửa chữa, thay thế phụ tùng.
Việc sửa chữa, thay thế phụ tùng khách hàng chỉ biết nhìn nhận qua nhãn mác chứ chất lượng bên trong thì “chỉ có thợ sửa xe mới biết”, còn khách hàng chỉ trông chờ vào “may rủi”. Do đó, đã có nhiều trường hợp đưa xe đến sửa xe càng hỏng thêm, hay bị phá nát xe, sửa xe xong đi được một thời gian xe lại tiếp tục dở chứng, đặc biệt là đối với chị em. Trường hợp của chị Hà Vi ở quận Hoàng Mai là một điển hình.
Sáng sớm dắt xe tay ga Honda đi làm nhưng không nổ được máy, chị Hà Vi đưa xe ra cửa hàng ở đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai để sửa. Loay hoay hồi lâu không sửa được, thợ bảo để xe lại để tiếp tục sửa vì xe hỏng nặng. Hôm sau quay lại thợ báo xe bị chết hệ thống điện, chết IC chi phí sửa chữa hết 6,5 triệu đồng. Trong lúc đang phân vân cũng là lúc chồng chị đi công tác về thấy xe bị tháo tung tóe, hỏi han tình hình và không đồng ý sửa ở đây.

Đưa xe đi nơi khác sửa mới biết xe của chị chỉ hỏng cầu chì, thay chỉ hết mấy chục nghìn, nhưng do thợ ban đầu tay nghề quá kém, phá cả hệ thống điện để dò, đấu nối lung tung khiến xe bị cháy cả IC, chết xạc… phải thay mất mấy triệu tiếc trong oan ức.
Trường hợp khác là anh Phạm Văn ở quận Hai Bà Trưng cho hay, hôm vừa rồi xe PCX của anh dở chứng rồ ga khi dừng đèn xanh đèn đỏ, phải bóp phanh xe mới dừng được nên đưa đến Trung tâm bảo hành – bảo dưỡng – sửa chữa xe máy Việt Nhật Motor ở 180 Xã Đàn, Hà Nội để kiểm tra. Qua quá trình kiểm tra, nhân viên của Việt Nhật Motor bảo anh Văn thay phải phụ tùng không chính hãng nên búa côn và chuông côn bị vẹt sâu khiến xe có hiện tượng như trên, đồng thời báo giá thay mới hết 1,2 triệu đồng.

Búa côn (bên trái) và chuông côn xe PCX của anh Văn thay ở Việt Nhật Motor bị ăn mòn và vẹt sâu chỉ trong thời gian ngắn sử dụng. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Anh Văn cho biết, từ khi hết bảo hành của nhà sản xuất, mọi vấn đề của xe PCX anh toàn sửa chữa ở Việt Nhật Motor, không ai mượn xe. Phụ tùng này cũng thay ở đây và mới đi được hơn 6.000km trong khi thợ của cửa hàng này khẳng định phải đi được ít nhất 20.000 đến 25.000km mới phải thay. Do đó anh Văn đã yêu cầu cửa hàng làm rõ vấn đề này.
Tuy nhiên, đại diện Việt Nhật Motor lại khẳng định búa côn và chuông côn này không phải cửa hàng mình thay. Chỉ đến khi anh Văn yêu cầu nhân viên in nhật ký sửa chữa xe, từ nhân viên, quản lý đến lãnh đạo Việt Nhật Motor mới thừa nhận, nhưng sau đó lại đổ lỗi do người sử dụng, đi vào đường bụi bẩn, không biết đi xe...
Theo anh Văn, điều anh bức xúc là phụ tùng anh thay của cửa hàng này nhưng họ lại không dám thừa nhận rồi lại đổ lỗi do người sử dụng không biết đi xe. Thế nhưng, để thay phụ tùng mới, quản lý lại đề nghị hỗ trợ 10% giá, tiếp đến lãnh đạo Việt Nhật Motor lại đặt vấn đề “để ổn thỏa” sẽ hỗ trợ 200.000, rồi 300.000 đồng nhưng anh Văn không đồng ý bởi sợ bị lắp tiếp sản phẩm tương tự nên đề nghị lắp xe hoàn chỉnh rồi tìm đến cửa hàng khác uy tín hơn.
Đưa xe đến cửa hàng khác mới biết Việt Nhật Motor thay búa côn của xe AirBlade vào không đúng chủng loại khiến xe chóng hỏng, bị mất tiền oan. Trong dịp ra mắt xe Wave Alpha mới của Công ty Honda Việt Nam vừa qua, phóng viên đưa hình ảnh chụp phụ tùng hỏng tháo từ xe PCX của anh Văn, ông Minoru Kato, Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam cho biết sản phẩm lắp không đúng chủng loại. Chia sẻ câu chuyện có hay không phụ tùng Honda giả, nhái, kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, ông Minoru Kato cho hay, không loại trừ khả năng này. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng nên đến đại lý chính hãng bảo dưỡng sản phẩm để đảm bảo quyền lợi.

Việt Nhật Motor lắp búa côn của xe AirBlade (chồng phía trên) nhỏ và ngắn hơn so với xe PCX, không đúng chủng loại nên xe chóng hỏng. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Nói về việc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, anh Minh Thành, chủ cơ sở sửa xe máy Minh Thành, ở 11c Cao Bá Quát, Hà Nội cho biết, có nhiều người đi xe còn rất mới nhưng do tính cẩn thận nên đến cửa hàng đề nghị sửa vặt hay thay dầu máy… nhưng anh đều từ chối. Theo anh Thành, cửa hàng thay sẽ có thêm chút ít tiền, nhưng khách hàng sẽ là người chịu thiệt nhiều nhất và tự đánh mất quyền lợi của mình vì xe đang trong thời gian bảo hành của nhà sản xuất.
Chia sẻ kinh nghiệm đi sửa xe, anh Minh Thành hóm hỉnh cho hay, đi sửa xe máy cũng giống như con người mình đi khám bệnh, khám xong có chữa bệnh hay không là quyền của mình. Khi chưa chắc chắn biết bệnh tình thế nào mà đã tiêm thuốc thì khả năng bị “sốc phản vệ” là rất dễ xảy ra và hậu quả chính mình là người chịu thiệt.
Tương tự, sửa xe máy cũng vậy, trong trường hợp chưa biết cửa hàng đó tay nghề như thế nào, làm ăn có uy tín hay không, khách hàng có thể đề nghị kiểm tra xem xe bị hỏng hóc gì, thợ sửa xe phán “bệnh” ra sao rồi trả phí. Sau đó, đi kiểm tra thêm một vài cửa hàng khác, nếu có cùng kết quả sẽ chọn ra cửa hàng cho mình thông qua cách quan quan sát cách thức làm ăn của thợ. Khi làm dịch vụ cũng cần có thêm giao kèo, ghi nhật ký cho riêng mình và yêu cầu cửa hàng ký vào.
Theo nhiều người có kinh nghiệm, không phải cứ cửa hàng lớn là tốt, vì ở đây có nhiều khách, đôi khi những chi tiết nhỏ của xe không được quan tâm, có thể dẫn đến hỏng hóc lớn. Bên cạnh đó, nếu khách hàng tham gia các diễn đàn liên quan, hay gõ tên cửa hàng muốn tìm vào google.com sẽ bắt gặp không ít câu chuyện liên quan đến hành vi nhập nhèm của nhiều cửa hàng sửa xe.
Qua đó sẽ loại trừ và có thể tìm được một cửa hàng với người thợ sửa chữa có nhiều kinh nghiệm, tận tâm với nghề sẽ giúp chiếc xe của mình được chăm sóc tốt và vận hành ổn định hơn sau khi bảo dưỡng, sửa chữa.
Người có nhu cầu liên quan đến sửa chữa bảo dưỡng xe máy có thể tham khảo một số cửa hàng sửa xe được diễn đàn 2banh.vn tổng hợp và ghi nhận: Cửa hàng sửa xe Minh Thành 11C Cao Bá Quát, Gia Phong 107 Giảng Võ, Trần Sơn 271 Đê La Thành, Bác Tuấn ở Hàm Long đối diện trường Ngô Sĩ Liên, Huy Beo 38A Trần Phú, Đại Dương 21 Nguyễn Phúc Lai, Hùng Cle 514B Trần Khát Chân, Hoàng Long 5 Phủ Doãn, Sơn Còi 196 Phó Đức Chính, Dũng Lò Rèn 6 Hàng Gà (Ngã 3 Lò Rèn và Hàng Gà), Bác Thành Chung ở 105B C9 ở Tập thể Quỳnh Mai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục